Thị trường dầu mỏ toàn cầu đã thắt chặt ngay cả trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang, nhưng hậu quả của cuộc xung đột này có khả năng đẩy thị trường năng lượng vào một cú sốc nguồn cung lớn tương đương với lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973 của Ả Rập.
Dự trữ dầu ở các nền kinh tế phát triển tiêu thụ nhiều dầu, bao gồm cả ở Mỹ đã giảm đều đặn trong vài tháng nay khi nhu cầu phục hồi.
Khi nhu cầu tăng trở lại, nguồn cung dầu toàn cầu đã phải vật lộn để bắt kịp do OPEC+ chỉ tăng thêm 400.000 thùng mỗi ngày vào sản lượng dầu mỗi tháng. Trong nhiều tháng, mức tăng sản lượng đã thấp hơn 400.000 thùng/ngày vì nhiều nhà sản xuất OPEC+ thiếu năng lực sản xuất và thiếu đầu tư để tăng sản lượng lên mức hạn ngạch.
Ngay từ tháng 1/2022, các ngân hàng đầu tư lớn đã bắt đầu dự đoán rằng giá dầu có thể chạm mức 100 USD/thùng vào một thời điểm nào đó trong năm nay do cán cân thị trường thắt chặt.
Theo Standard Chartered, Nga sẽ phải đóng cửa một số sản lượng khai thác dầu của mình vì nước này sẽ không thể bán tất cả khối lượng chuyển từ thị trường châu Âu sang các khu vực khác, với sản lượng dầu thô của Nga giảm và tiếp tục suy giảm trong ít nhất ba năm tới. Ngay cả trước khi Mỹ cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, việc buôn bán các mặt hàng của Nga đã trở nên khó khăn đối với nhiều công ty toàn cầu.
Michael Tran, giám đốc điều hành chiến lược năng lượng toàn cầu của RBC Capital Markets cho biết: “Không có gì là điên rồ trong thị trường dầu này nữa”.
Nhà phân tích năng lượng John Kemp của Reuters lưu ý rằng, thị trường thắt chặt và các cuộc đấu tranh để bán dầu của Nga đang tạo tiền đề cho cú sốc nguồn cung lớn nhất kể từ những năm 1970 - lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập năm 1973-1974 và cuộc cách mạng Iran năm 1979.
Vào đầu tháng 3/2022, Daniel Yergin, Phó chủ tịch IHS Markit cho biết: “Đây là một cuộc khủng hoảng nguồn cung. Đó là một cuộc khủng hoảng hậu cần. Đó là một cuộc khủng hoảng thanh toán và điều này có thể xảy ra trên quy mô của những năm 1970”.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày nay "có thể so sánh về cường độ, về mức độ tàn khốc, với cú sốc dầu mỏ năm 1973", Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết trong tuần qua.
“Vào năm 1973, phản ứng này đã gây ra một cú sốc lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất ồ ạt, điều này đã bào mòn tốc độ tăng trưởng”, ông cho biết.
Giá dầu cao có thể bị dập tắt bởi nhu cầu tiêu hủy, hoặc OPEC+ đẩy mạnh để lấp đầy khoảng trống từ Nga, điều này có nghĩa là các nhà sản xuất OPEC có năng lực dự phòng bao gồm Ả Rập Xê Út và UAE phải sẵn sàng tăng sản lượng nhiều hơn mức mà OPEC+ kêu gọi.
Thị trường sẽ cần lượng cung này vì dầu đá phiến của Mỹ không thể tăng sản lượng đáng kể trong ngắn hạn.
Natasha Kaneva, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa toàn cầu tại JPMorgan cho biết: “Cú sốc nguồn cung tức thời quá lớn đến mức chúng tôi tin rằng giá dầu cần phải tăng lên 120 USD/thùng và ở đó trong nhiều tháng để khuyến khích sự phá hủy nhu cầu với giả định không có khối lượng dầu từ Iran ngay lập tức”.