Các cuộc đối thoại quốc tế kéo dài 11 tháng đang cố gắng đưa Iran tuân thủ trở lại việc hạn chế các hoạt động hạt nhân đang gia tăng nhanh chóng.
Pháp, Anh và Đức cảnh báo Nga rằng những đòi hỏi của nước này trong hoạt động thương mại với Iran tiềm ẩn rủi ro làm sụp đổ thỏa thuận hạt nhân đã dần hoàn thành.
Theo CNBC, các nhà đàm phán đã đến giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán nhằm khôi phục lại thỏa thuận JCPOA (Joint Comprehensive Plan of Action), theo đó, các biện pháp trừng phạt chống lại Iran nhằm đổi lấy việc Iran hạn chế phát triển chương trình hạt nhân sẽ được loại bỏ.
Tuy nhiên, vào ngày thứ Bảy tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bất ngờ yêu cầu cần đến sự đảm bảo rằng hoạt động thương mại của Nga với Iran sẽ không chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt áp lên Moscow về những căng thẳng với Ukraine.
“Không một nước nào nên cố gắng lợi dụng đàm phán JCPOA nhằm có được những sự đảm bảo mà chẳng hề liên quan đến JCPOA”, Pháp, Anh và Đức cùng ra tuyên bố chung. Nhóm nước này nhấn mạnh quan điểm đó tiềm ẩn khả năng làm sụp đổ thỏa thuận.
Thỏa thuận trên bàn đàm phán cần phải được khép lại nhanh nhất có thể.
Washington cũng đã thể hiện quan điểm sẽ không chấp nhận các đòi hỏi từ phía Nga.
Các cuộc đối thoại quốc tế kéo dài 11 tháng đang cố gắng đưa Iran tuân thủ trở lại việc hạn chế các hoạt động hạt nhân đang gia tăng nhanh chóng và đưa nước Mỹ trở lại thỏa thuận mà vào năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rời bỏ.
Thị trường dầu đang theo dõi chặt chẽ diễn biến các cuộc đối thoại liên quan đến tình hình hạt nhân tại Iran để biết được liệu quy định hạn chế liên quan đến xuất khẩu dầu của Iran có thể bị loại bỏ, điều này có thể giúp bù đắp vào việc nguồn cung sụt giảm do căng thẳng Nga – Ukraine.
Theo TTXVN, bộ phận nghiên cứu của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định rằng, giá dầu Brent có thể đạt mức 175 USD/thùng trong năm nay nếu 2/3 lượng dầu xuất khẩu từ đường biển của Nga bị cắt giảm do tình hình căng thẳng ở Ukraine, đẩy nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một trong những “cú sốc” về nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Việc mất đi 2 triệu thùng/ngày trong tổng số 6 triệu thùng/ngày xuất khẩu dầu mỏ qua đường biển của Nga có thể sẽ đưa giá dầu Brent giao ngay tăng lên mức 145 USD/thùng, trong khi nếu mất 4 triệu thùng/ngày sẽ có thế khiến giá mặt hàng này chạm 175 USD/thùng.
Goldman Sachs cho biết: “Chúng tôi tin rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể gây ra sự sụt giảm lớn nguồn cung dầu trên thế giới, và điều này sẽ vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu.”
Goldman Sachs lưu ý Trung Quốc sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc định hình thị trường dầu mỏ sẽ tái cân bằng như thế nào, trong khi lượng dầu xuất khẩu của Nga sẽ tiếp tục thu hẹp, với những hạn chế về logistics có thể ngăn cản sự phân bổ lại nguồn cung dầu một cách đầy đủ trong nhiều tháng.