Các chuyên gia đều nhận định rủi ro giảm sâu khó xảy ra bởi câu chuyện Nga - Ukraine đã phản ánh lên thị trường thời gian qua.
Kết thúc cuối tuần qua, VN-Index chốt giảm về gần 1.466 điểm, là vùng điểm thấp nhất kể từ cuối tháng 1. Thị trường có tuần giảm mạnh nhất kể từ sau kỳ nghỉ Tết trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài hơn hai tuần và giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng lên vùng lịch sử.
Đáng chú ý là động thái của nhà đầu tư nước ngoài khi bán ròng hơn 5,5 nghìn tỷ đồng trong tuần qua.
Thị trường bước vào tuần mới sẽ có diễn biến theo chiều hướng nào? Câu chuyện Nga - Ukraine vốn đang tác động mạnh tới thị trường toàn cầu lẫn Việt Nam được nhận định chuyển biến ra sao?… BizLIVE ghi nhận đánh giá của một số chuyên gia:
Thị trường vẫn ngóng theo biến động Nga - Ukraine
Đã thẩm thấu, chiết khấu
Thận trọng vẫn là quan điểm được ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư ORS duy trì trong các tuần gần đây. Tuy nhiên vị này cho rằng, rủi ro giảm sâu khó xảy ra bởi câu chuyện về chiến sự tại Ukraine đã dần được phản ánh vào các biến động của thị trường cũng như định giá của các cổ phiếu. Tuy nhiên, tác động trung và dài hạn có thể cần được đánh giá thêm do lạm phát, sức tiêu thụ của các quốc gia do chiến tranh sẽ ngấm dần và lan tỏa lâu dài.
“Nền tảng của nền kinh tế Việt Nam khó chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng tôi cho rằng cần thêm các số liệu về kết quả kinh doanh quý 1/2022 cũng như các thông tin về chính sách của các NHTW trên thế giới để hỗ trợ niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Cường nói.
Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam đánh giá, tình hình trong tuần mới có chiều hướng tích cực hơn, dĩ nhiên không thoát khỏi vấn đề Nga - Ukraine ngay lập tức. Nhưng thông tin mới cho thấy, bản thân Tổng thống Nga Putin là người kiệm lời, quyết liệt nhưng vừa qua đã tuyên bố giữa hai bên có diễn biến tích cực thông qua nhượng bộ của Ukraine. Theo đó phiên cuối tuần thị trường thế giới có phản ứng tích cực với thông tin này.
“Theo tôi có vẻ cuộc chiến đã bắt đầu đi vào hồi kết, vấn đề là khi nào Ukraine chính thức nhượng bộ nhiều hơn, còn Nga nhượng bộ thì có vẻ khó. Với thế giới, những đòn trừng phạt Nga từ phía Mỹ, châu Âu và đồng minh thì cũng đã gần như có bao nhiêu chiêu tung ra hết, đặc biệt những chiêu chính quan trọng như cấm vận, Mỹ thì tuyên bố cấm nhập khẩu giữa đường dầu mỏ, cấm các ngân hàng Nga tham gia hệ thống thanh toán toàn cầu Swift, tất cả các chiêu cứng nhất thì đã tung ra rồi”, ông Phương đề cập.
Theo vị này, thị trường đã chiết khấu giá suốt giai đoạn vừa qua, thị trường đã thấm, chỉ chờ thông tin tích cực để phục hồi trở lại.
“Quan trọng nhất là thông tin giữa Nga - Ukraine có gì mới, có chuyển biến ra sao. Nhưng theo tôi qua tuần mới có sự hồi phục, ít nhất ở mức vừa phải. Cuối tuần thị trường Việt điều chỉnh khá nhiều nhưng lực cầu còn khá lớn. Mỗi khi giá giảm thì có dòng tiền đổ vào mua, thứ nhất để đỡ giá, thứ hai có dấu hiệu một số mã cổ phiếu không giảm mà tăng trở lại”, chuyên gia KIS cho biết.
Ông Phương nhận định, tuần này thị trường sẽ dần dần hồi phục, đan xen phiên tăng giảm. Nhưng nếu thông tin Nga - Ukraine có chiều hướng tích cực hơn, vòng đàm phán mới có được những thỏa thuận tốt hơn, hai bên nhượng bộ qua lại nhiều hơn thì thị trường sẽ phản ứng tích cực hơn nữa. VN-Index sẽ dao động khoảng 1.450-1.500 điểm.
Về quan ngại vấn đề lạm phát, chuyên gia này cho rằng, vấn đề này không phải bây giờ mới bắt đầu mà được nhắc đến từ khi giá dầu tăng từ 80 USD/thùng lên trên 100 USD/thùng. Xăng trong nước tăng đã đợt thứ 4 chứ không phải mới tăng.
“Nên yếu tố lạm phát đúng là về lâu dài kìm hãm nền kinh tế, hạn chế tốc độ tăng trưởng của các quốc gia cũng như làm nhà đầu tư lo lắng thận trọng hơn. Nhưng niềm tin khác vẫn hiện hữu đó là sự phục hồi của doanh nghiệp, nền kinh tế khi dịch được kiểm soát hay chí ít trên thế giới đã bắt đầu sống chung với dịch. Ở Việt Nam cũng đang tính tới cho F0 đi làm bình thường”, chuyên gia KIS đánh giá.
Bên cạnh nỗi lo lạm phát, nhà đầu tư có những niềm tin, cơ sở vào TTCK, vào sự bứt phá của doanh nghiệp trong 2022. Đặc biệt Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi khá nhiều từ việc căng thẳng của Trung Quốc với Mỹ, châu Âu, kể cả Nga - Ukraine xung đột thì không ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam, đâu đó một số ngành hưởng lợi như dầu. Theo đó, ông Phương duy trì quan điểm dù có nhiều thông tin tiêu cực, nỗi lo nhưng thị trường vẫn phản ứng những thông tin tích cực ở phía trước.
Quan ngại khối ngoại?
Về động thái giao dịch của khối ngoại, ông Võ Văn Cường đề cập, tuần qua, khối ngoại có hoạt động bán mạnh nhất kể từ đầu năm. Cụ thể, họ bán ròng hơn 8 nghìn tỷ đồng từ đầu năm thì riêng tuần qua đã bán ròng khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do tâm lý chiến sự cũng như hoạt động rút vốn của các quỹ ETF.
Tuy vậy, chuyên gia ORS cho rằng, biến động này cũng không thể tạo ra một xu hướng bán ròng mạnh như năm ngoái. Cùng kỳ, khối ngoại đã bán ròng hơn 15 nghìn tỷ đồng. Rất có thể, khối ngoại sẽ sớm thu hẹp lại đà bán ròng và lại sớm đan xen các hoạt động giải ngân trở lại trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Trương Hiền Phương bình luận, khối ngoại bán ròng là phản ứng khi Nga - Ukraine có xung đột. Các NĐTNN trở nên thận trọng nên chọn hình thức bán ra, giảm tài sản có tính rủi ro, đặc biệt ở thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, ông Phương nhấn mạnh chưa ghi nhận khối ngoại rút tiền ra khỏi Việt Nam, họ bán nhưng vẫn giữ tiền để tái đầu tư trở lại, sẽ mua khi đón nhận thông tin tích cực, khi họ cảm thấy an toàn hơn. Đây là hoạt động bình thường và chỉ là sự kiện nhất thời. Thứ hai là những phiên cuối tuần họ giảm lượng bán ròng đi nhiều, từ gần 2.000 tỷ còn vài trăm tỷ.
Ông Phương cũng nhắc lại thông tin một quỹ của Thái Lan huy động xấp xỉ 50 triệu USD để đầu tư vào thị trường Việt. Trước đó là một quỹ từ Đài Loan cũng huy động vốn vào thị trường Việt, bên cạnh Fubon.
“Nói chung, động thái của NĐTNN hiện cũng trông nhiều vào thông tin Nga - Ukraine, nếu tuần mới có diễn biến tích cực thì khối ngoại không những giảm bán ròng mà có thể quay trở lại mua ròng một cách mạnh mẽ”, chuyên gia KIS nhận định.
Bức tranh quý 1 màu gì?
Ông Trương Hiền Phương cho rằng, đa số doanh nghiệp có thông tin tích cực trong quý 1/2022. Dịch kéo dài hơn 2 năm, trải qua giai đoạn nặng nề nhất là tháng 7-10/2021 do giãn cách, đa số doanh nghiệp ngừng hoạt động, một số hoạt động nhưng phải áp dụng tại chỗ, doanh thu doanh nghiệp cầm chừng.
“Tuy nhiên giai đoạn đó qua rồi. Giai đoạn nước rút là quý 4/2021 khi Chính phủ quyết định mở cửa, doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục dần doanh thu lợi nhuận. Bản thân doanh nghiệp cho thấy sự uyển chuyển, thích nghi dịch COVID. Tôi tin quý 1 bắt đầu bùng nổ”, ông Phương cho biết.
Theo vị này, qua năm 2022, các hoạt động cởi mở, đường bay nội địa được nối lại, một số đường bay quốc tế cũng có nên các doanh nghiệp khởi động lại được hoạt động, lượng cán bộ, nhân viên đi làm trở lại gần như bình thường. Hiện đã ghi nhận lượng người đến TP.HCM hay Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai tăng lên. Những sản phẩm quốc nội đang trên đà phát triển. Chuyên gia này cho rằng tăng trưởng doanh nghiệp quý 1/2022 so với cùng kỳ 2021 sẽ dao động từ vài % cho tới 20%.
Đề cập tới nhóm ngành hút đầu tư thời gian qua, ông Võ Văn Cường cho rằng, nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản, xu hướng ngắn hạn có thể vẫn sẽ hưởng lợi từ câu chuyện gián đoạn chuỗi cung ứng do chiến tranh và dịch bệnh.
“Theo thống kê của tôi, nhiều nhà đầu tư đã có lợi nhuận rất tốt nhờ những khoản đầu tư vào nhóm cổ phiếu Dầu khí, Phân bón trong tháng 2 và tháng 3. Có thể, biến động vẫn sẽ còn tích cực thêm nhưng theo tôi, đây không phải là một xu thế trong trung và dài hạn bởi các nhóm ngành này khó duy trì được”, chuyên gia ORS đánh giá.