Cổ phiếu các doanh nghiệp Trung Quốc đại lục niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Kông đã trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (14/3), chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc Hang Seng đóng cửa giảm 7,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2008. Chỉ số Công nghệ Hang Seng giảm 11%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 7/2020.
Lý do là bởi những lo ngại về mối quan hệ thân thiết của Bắc Kinh với Nga và những rủi ro quy định mới đã làm dấy lên tình trạng bán tháo hoảng loạn.
Ngay cả khi Trung Quốc bác bỏ báo cáo trích dẫn về việc Nga đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giới đầu tư vẫn lo ngại rằng, điều này có thể gây ra phản ứng dữ dội trên toàn cầu đối với các công ty Trung Quốc, thậm chí là các lệnh trừng phạt. Thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi một đợt phong toả do Covid-19 gây ra ở thành phố Thâm Quyến và tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc.
Bên cạnh đó là lo ngại về các quy định. Tencent Holdings được cho là đang đối mặt với khoản tiền phạt kỷ lục có thể xảy ra vì vi phạm các quy tắc chống rửa tiền, điều này đã đẩy cổ phiếu này giảm gần 10% vào phiên giao dịch ngày 14/3.
Mark Mobius, nhà sáng lập Mobius Capital Partners cho biết: “Nếu Mỹ quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc nói chung hoặc đối với các công ty Trung Quốc kinh doanh với Nga, thì đó sẽ là một mối lo ngại. Toàn bộ câu chuyện vẫn đang được phản ánh trong trường hợp này”.
Các nhà đầu tư có lý do để lo lắng sau khi một số quỹ tên tuổi báo cáo các khoản lỗ đáng kể liên quan đến Nga. Tài sản của các quỹ đầu tư của BlackRock có nắm giữ cổ phiếu Nga đã giảm 17 tỷ USD kể từ khi xung đột bắt đầu.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc cũng giảm 3,1% vào thứ Hai (14/3). Đồng nhân dân tệ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng do tâm lý đối với tài sản của Trung Quốc trở nên kém khả quan.
Ngay cả trong bối cảnh giao dịch kém khả quan, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn tiếp tục mua vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, mặc dù điều đó chứng tỏ là không đủ để hỗ trợ giá cổ phiếu. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua ròng cổ phiếu ở sàn Hồng Kông thông qua Stock Connect trong các phiên giao dịch kể từ ngày 22/2 và tổng giá trị mua ròng đã đạt 1 tỷ USD vào ngày 14/3.
Sự trượt giá lịch sử của cổ phiếu công nghệ đang khiến giới đầu cơ Trung Quốc bối rối trong khi trước đó các cổ phiếu này đã tăng trong năm nay khi các chiến lược gia đặt cược vào sự phục hồi nhờ vào việc nới lỏng chính sách của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Các chiến lược gia của Goldman Sachs đã giảm nhẹ sự lạc quan của họ đối với chứng khoán Trung Quốc, hạ ước tính định giá cho Chỉ số MSCI Trung Quốc.
Chỉ số MSCI Trung Quốc đã chứng kiến mức định giá giảm hơn một nửa so với mức đỉnh vào tháng 2/2021. Chỉ số này đang giao dịch ở mức P/E kỳ hạn 12 tháng là 9 lần so với mức trung bình 5 năm là 12,6 lần.
Yasutada Suzuki, người đứng đầu bộ phận đầu tư vào thị trường mới nổi tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui cho biết: “Đúng là định giá rẻ nhưng nếu bạn đang tuyệt vọng đóng các vị thế của mình, thì việc định giá không thành vấn đề”.