Tổng Công ty 36 không chỉ thi công tuyến đường liên xã Sơn Lễ, Sơn An, Sơn Tiến chậm tiến độ mà còn bị các nhà thầu phụ đòi nợ hàng chục tỷ đồng.
“Nợ như chúa Chổm”
Dự án của Tổng Công ty 36 đang bị đòi nợ liên tục. Ảnh: Thanh Nga.
Liên quan đến những bê bối của Tổng Công ty 36 - CTCP khi thi công tuyến đường liên xã Sơn An, Sơn Lễ, Sơn Tiến, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) trước đó Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, ngày 17/3, các nhà thầu phụ, công nhân, người lao động của dự án này tiếp tục đình công, căng băng rôn đòi nợ Chi nhánh Công ty 36.32 (thuộc Tổng Công ty 36).
Theo điều tra của PV, mặc dù Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Tĩnh đã cho nhà thầu thi công (Tổng Công ty 36 – CTCP) tạm ứng và giải ngân hơn 31 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư của dự án hơn 80 tỷ đồng). Tuy nhiên, khối lượng thực tế thi công tại hiện trường không đạt như kỳ vọng, thậm chí chậm tiến độ rất nhiều hạng mục, vi phạm quy định hợp đồng.
Băng rôn đòi nợ treo tại công trường công trình đường liên xã Sơn An, Sơn Lễ, Sơn Tiến. Ảnh: Thanh Nga.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, song tựu trung lại chủ đầu tư cần xem xét đến năng lực của nhà thầu, bởi, hơn một tháng nay công trình này vẫn chưa thể triển khai thi công vì hàng chục nhà thầu phụ đình công, yêu cầu Tổng Công ty 36 thanh toán tiền công, tiền lương, tiền thuê thiết bị, xe máy cho người lao động.
Được biết, sau khi trúng thầu xây dựng tuyến đường liên xã Sơn Lễ, Sơn An, Sơn Tiến, Tổng Công ty 36 giao cho chi nhánh Công ty 36.32, do Trung tá Vũ Lập Phương làm Giám đốc tổ chức thực hiện. Sau đó, Công ty 36.32 giao cho 3 cán bộ có tên Đậu Ngọc Tích, Trần Đức Chính và Nguyễn Thọ Tuệ trực tiếp ký hợp đồng thuê xe máy, nhân công triển khai thi công.
Các nhà thầu phụ hết sức bức xúc vì Tổng Công ty 36 không thực hiện thanh toán theo đúng cam kết. Ảnh: Thanh Nga.
Anh Đỗ Văn Bằng, Đội trưởng đội nhân công xây dựng, quê ở tỉnh Nghệ An cho hay, tháng 12/2020 anh ký hợp đồng nhận khoán nhân công với Công ty 36.32 thực hiện việc xây đúc và lắp dựng hoàn thiện cống trên đoạn tuyến từ Km0+00 – Km2+500.
Đến cuối tháng 4/2021 nghiệm thu hoàn thành khối lượng với giá trị thanh toán hơn 600 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền nhà thầu đang nợ anh Bằng là 109 triệu đồng.
“Họ (Công ty 36.32) vẽ đủ lý do để không trả tiền, hẹn tết trả mà tết cũng không trả, toàn bộ anh em bỏ công, bỏ của ra làm mà giờ không lấy được tiền, rất bức xúc”, anh Bằng ấm ức.
Chung cảnh ngộ, anh Mậu, ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn ký hợp đồng cho thuê 1 xe ô tô, 1 máy xúc thi công công trình cả năm trời nhưng đến thời điểm này Công ty 36.32 mới thanh toán cho anh được 50% khối lượng, số tiền còn nợ khoảng hơn 300 triệu đồng.
Cán bộ Công ty 36.32 ghi nhận nợ nhưng lời hứa thanh toán cho nhà thầu vẫn...nằm trên giấy. Ảnh: Thanh Nga.
"Công ty 36.32 đang làm việc theo kiểu "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Chúng tôi làm công, đổ mồ hôi, sôi nước mắt thi công giữa trời mưa, trời nắng vậy mà họ chây ì không trả nợ, thậm chí còn tự động đòi giảm định mức so với cam kết ban đầu là không thể chấp nhận", một lao động địa phương bức xúc nói.
Tiến thoái lưỡng nan
Việc Công ty 36.32 “nợ như chúa Chổm” tại một dự án đường dân sinh có tổng mức đầu tư không quá lớn khiến dư luận đặt dấu chấm hỏi về năng lực của nhà thầu cũng như quá trình giám sát, chỉ đạo thi công công trình thiếu quyết liệt của chủ đầu tư.
Từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay công trình chưa thể triển khai thi công do công nhân, nhà thầu phụ đình công. Ảnh: Thanh Nga.
Ông Bùi Huy Cường, Giám đốc BQL dự án thông tin, Công ty 36.32 đang nợ các đội xe máy, nhân công thi công dự án đường liên xã Sơn Lễ, Sơn An, Sơn Tiến khoảng 11 tỷ đồng.
Không chỉ lùm xùm về nợ nần, tiến độ, Công ty 36.32 còn chây ỳ trong việc nộp phạt chậm tiến độ hợp đồng.
Theo thông báo xử phạt lần 4 của BQL dự án, tổng số tiền lũy kế nhà thầu thi công chậm tiến độ các hạng mục công trình tháng 11/2021 là 811 triệu đồng.
Đây mới chỉ phạt chậm tiến độ 1 tháng, nếu cộng số tiền phạt chậm tiến độ trước tháng 11/2021 và từ tháng 12/2021 đến nay chắc chắn con số phải lên đến nhiều tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của PV về giải pháp thu hồi tiền phạt chậm tiến độ, ông Bùi Huy Cường ngán ngẩm: “Việc phạt sau tổng hợp phạt hoặc chờ giai đoạn cuối (quyết toán) mới trừ tiền. Bây giờ có phạt họ cũng không có tiền để nộp”.
Chủ đầu tư nhiều lần thông báo yêu cầu nộp tiền phạt chậm tiến độ song Tổng Công ty 36 không chấp hành. Thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước tại Hà Tĩnh cần có giải pháp xử lý dứt điểm vi phạm của nhà thầu, để hoàn thành dự án đúng tiến độ. Ảnh: Thanh Nga.
Chủ đầu tư nhiều lần thông báo yêu cầu nộp tiền phạt chậm tiến độ song Tổng Công ty 36 không chấp hành. Thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước tại Hà Tĩnh cần có giải pháp xử lý dứt điểm vi phạm của nhà thầu, để hoàn thành dự án đúng tiến độ. Ảnh: Thanh Nga.
Được biết, chủ đầu tư đã báo cáo sự việc lên UBND tỉnh Hà Tĩnh. Thiết nghĩ, địa phương cần có giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.