Nhà đầu tư đồng thời cũng chờ đợi xem liệu Nga có thực hiện được việc chi trả lãi suất với một số khoản trái phiếu đến hạn trong tuần này.
Các thị trường cổ phiếu tại châu Á khởi đầu tuần mới trong tâm lý thận trọng khi mà nhà đầu tư vẫn đang hy vọng vào khả năng sẽ có một thỏa thuận hòa bình tại Ukraine, tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy căng thẳng sẽ sớm chấm dứt.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày Chủ Nhật khẳng định rằng Nga và Ukraine đang dần đạt được thỏa thuận về những vấn đề vô cùng quan trọng và đồng thời ông cũng hy vọng vào khả năng sẽ có quy định ngừng bắn.
Nhà đầu tư đồng thời cũng chờ đợi xem liệu Nga có thực hiện được việc chi trả lãi suất với một số khoản trái phiếu đến hạn trong tuần này. Nga buộc phải trả 615 triệu USD lợi suất trái phiếu trong tháng này, sau đó đến ngày 4/4/2022, sẽ có khoản trái phiếu 2 tỷ USD đáo hạn.
Phần lớn các thị trường chứng khoán tăng điểm trong tuần trước bởi kỳ vọng vào khả năng sẽ có thỏa thuận hòa bình tại Ukraine, tuy nhiên cũng sẽ cần đến những diễn biến tích cực thực tế để đảm bảo thị trường tiếp tục tăng điểm.
Kết quả khảo sát của BofA trên toàn cầu cho thấy mức độ tiền mặt hiện đang ở ngưỡng cao nhất tính từ tháng 4/2020 và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đương đầu với nhiều thách thức nhất tính từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Giá dầu và hàng hóa nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và đối diện với rủi ro suy giảm.
Hôm nay, thị trường chứng khoán Nhật nghỉ giao dịch. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tương lai không có nhiều thay đổi. Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương ngoài Nhật không có nhiều thay đổi.
Thị trường trái phiếu châu Á đang chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, sẽ có bài phát biểu vào ngày thứ Hai tuần này, ngoài ra, nhiều quan chức Fed khác cũng sẽ đưa ra những tuyên bố riêng trong tuần.
Nhiều nhà hoạch định chính sách từ Fed đang dự báo lãi suất liên bang sẽ lên ngưỡng từ 1,75% - 3% vào thời điểm cuối năm. Thị trường hiện đang đồn đoán về khả năng sẽ có đợt nâng lãi suất nửa điểm phần trăm trong tháng 5/2022, khả năng này thậm chí còn cao hơn trước thời điểm tháng 6/2022.
“Để cân bằng giữa rủi ro ngắn hạn và rủi ro dài hạn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ngân hàng trung ương rõ ràng đang gửi đi thông điệp rõ ràng về khả năng bình ổn chính sách”, chuyên gia kinh tế trưởng Bruce Kasman thuộc JP Morgan phân tích.
Tuy nhiên ông Kasman cũng cảnh báo về khả năng nguồn cung năng lượng của Nga sẽ đẩy lạm phát dần tăng lên, như vậy sức mua của người tiêu dùng Mỹ sẽ còn suy giảm nhiều hơn nữa, tuy nhiên kịch bản này nhiều khả năng sẽ đẩy kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu vào suy thoái kinh tế. Nếu dự báo trên thực sự trở thành sự thật, hoạt động bình thường hóa chính sách sẽ dừng lại trên khắp thế giới.
Thị trường dường như đã dự báo được những rủi ro liên quan đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu xét đến việc đường cong lợi suất trái phiếu đã phẳng đi trong nhiều tuần gần đây. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 2 và 10 năm đã giảm xuống còn 21 điểm cơ bản, mức thấp nhất tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào đầu năm 2020.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng lên đã giúp đồng USD tăng giá so với đồng yên, Ngân hàng Trung ương Nhật cam kết duy trì lợi suất gần mức 0%. Đồng USD tăng giá lên ngưỡng cao nhất tính từ năm 2016 là 119,26 yên/USD, tăng 1,6% trong tuần qua.