Việc cơ quan quản lý làm mạnh với các hành vi vi phạm pháp luật sẽ góp phần tăng niềm tin với giới đầu tư, góp phần phát triển thị trường bền vững trong dài hạn.
Khởi tố, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết giúp tăng niềm tin với giới đầu tư. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN
Đánh giá về thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) về hành vi thao túng thị trường chứng khoán; che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, giới chuyên gia cho rằng việc cơ quan quản lý làm mạnh với các hành vi vi phạm pháp luật sẽ góp phần tăng niềm tin với giới đầu tư, góp phần phát triển thị trường bền vững trong dài hạn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, việc khởi tố đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC về bản chất là một thông tin tích cực, vì thường trước đây chúng ta xử lý những vụ việc như thế này chỉ mang tính chất hành chính, không đủ độ răn đe, làm mất niềm tin nhà đầu tư.
Các vụ thao túng, làm giá cổ phiếu xảy ra nhiều chứ không phải chỉ một vụ tại FLC. Mỗi lần vụ việc thao túng chứng khoán xảy ra, nhưng xử phạt lại không lớn nên tính răn đe thấp. Do đó, đây có thể coi là án điểm để tạo ra sự răn đe với thị trường, trong bối cảnh nhà đầu tư F0 (thuật ngữ "F0" được giới đầu tư đặt cho các nhà đầu tư mới tham gia thị trường từ năm 2020 - năm dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát) hiện nay rất nhiều.
Nếu cứ để tình trạng "lôi kéo" tạo ra hiệu ứng tăng rồi làm giá trên thị trường sẽ là bức tranh xấu đối với chứng khoán Việt Nam. "Từ trước đến nay chứng khoán Việt Nam bị hình ảnh này ám ảnh, vì vậy điều này sẽ giúp triệt tiêu bớt những tiêu cực trên thị trường", ông Minh nói.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Ông Minh cho rằng, nhà đầu tư cũng đã quen dần với câu chuyện lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt, không giống như trước đây thị trường chịu ảnh hưởng chỉ vài cổ phiếu vốn hóa lớn. Giờ đây nhà đầu tư không mua cổ phiếu FLC có thể mua cổ phiếu khác. Nhà đầu tư sẽ dần quên đi sự kiện này, do đó thị trường sẽ ổn định trở lại. "Dù vậy, chiến lược phù hợp lúc này đối với nhà đầu tư là giảm vay margin (giao dịch ký quỹ) hoặc không nên dùng margin", ông Minh khuyến nghị.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết, trước đây thị trường cũng đã ghi nhận các trường hợp tương tự như trường hợp tại FLC và thực tế cho thấy các phản ứng ban đầu tới tâm lý nhà đầu tư là có. Thị trường cũng có giảm sau đó, nhưng trong tất cả các trường hợp đó thì những tác động tiêu cực chỉ diễn ra ngắn và nhanh chóng qua đi, vì sau các phản ứng tiêu cực ban đầu thì thị trường chung đã hồi phục nhanh trở lại, thậm chí tăng trưởng cao sau đó.
Minh chứng là hiện tại VN- Index đang ở vùng cao nhất lịch sử sau rất nhiều biến cố và tác động tiêu cực từ COVID-19 trong 2 năm qua. Về cơ bản, nển tảng thị trường chứng khoán phát triển bền vững dựa trên nhiều yếu tố, còn các thông tin biến động ở từng doanh nghiệp hay nhóm ngành chỉ là những biến động ngắn hạn và nhỏ trong phạm vi liên quan.
Với thực tế trên, thì rõ ràng việc cơ quan quản lý làm mạnh với các hành vi vi phạm pháp luật sẽ góp phần tăng niềm tin với giới đầu tư và góp phần phát triển thị trường bền vững trong dài hạn.
Ông Ngọc cũng cho rằng, thông tin bắt Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC có thể còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư nhưng chỉ là ngắn hạn.
Xét về định lượng thì nhóm cổ phiếu thuộc Tập đoàn FLC chỉ chiếm khoảng gần 1% về lượng cổ phiếu niêm yết, chiếm gần 0,35% về vốn hóa thị trường,và chiếm hơn 2,3% về giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường năm 2021 cho tới nay. Chính vì thế mà về tác động trực tiếp tới chị trường chung về định lượng cũng là không lớn.
Hiện tại, hành vi thao túng được khởi tố là các hoạt động của các cổ đông và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn theo công bố thông tin từ các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC thì các hoạt động của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường.
Các chủ nợ cũng đã có thông tin là các khoản vay vẫn được thanh toán đúng hạn và có tài sản đảm bảo đầy đủ nên về cơ bản các ảnh hưởng ngay lập tức tới hoạt động chung của các bên là chưa lớn.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam. Ảnh: BNEWS phát
Do đó, ông Ngọc khuyến nghị với nhà đầu tư không có các hoạt động liên quan đến nhóm công ty liên qua đến sự kiện trên thì cần bình tĩnh để không bị ảnh hưởng tâm lý mà dẫn đến hành động thái quá, sự kiện có thể sớm qua đi đối với những gì không liên quan trực tiếp.
Về trung và dài hạn thì thị trường chứng khoán vẫn sẽ phát triển ổn định dựa trên những yếu tố nền tảng quan trọng là các yếu tố như kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực, dự báo năm 2022 có thể trên 7%.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ linh hoạt theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế phát triển với mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố khiến dòng tiền vận động tích cực trên thị trường chứng khoán; doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng cao, dự báo 2022 là trên 25%…
Ở bình diện lớn hơn thì việc kinh tế thế giới và Việt Nam đang dần mở cửa trở lại sau khi đã đẩy lùi COVID-19 sẽ đem tới nhiều cơ hội phát triển trong dài hạn, sự hồi phục của kinh tế nói chung và doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề quan trọng sẽ là điểm thu hút đầu tư lớn cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đang cùng các đơn vị chức năng tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan tới sự vụ này liên quan tới FLC. Theo đó, căn cứ vào thông tin và kết quả từ Cơ quan cảnh sát điều tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiến hành các công việc theo trình tự thuộc thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ.
"Theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo tính công bằng, minh bạch của thị trường chứng khoán", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà chia sẻ.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cũng tin rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát
Về thông tin vĩ mô trên thế giới Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, đàm phán giữa Nga và Ukraine có những tiến triển với thông báo về việc Nga sẽ giảm các cuộc giao tranh đã khiến cho thị trường chứng khoán quốc tế đồng loạt tăng điểm trong phiên đêm qua. Bên cạnh đó, giá dầu, giá vàng và các loại hàng hóa khác cũng có sự hạ nhiệt nhất định.
Với thị trường Việt Nam, SHS cho rằng, tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt ít nhiều đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường trong phiên hôm nay 30/3). Tuy nhiên, phản ứng của thị trường lại khá tích cực trong bối cảnh này khi mà chỉ số VN-Index có nhịp kiểm tra vùng hỗ trợ 1.480-1.485 điểm và bật lên từ đây để thu hẹp mức giảm về cuối phiên.
Thanh khoản khớp lệnh trong phiên hôm nay cũng gia tăng nhưng nếu kết hợp cả diễn biến giao dịch thì điều này chỉ thể hiện việc giằng co khá quyết liệt giữa bên mua và bên bán.
SHS dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 31/3, thị trường có thể sẽ hồi phục trở lại để hướng đến kháng cự tâm lý 1.500 điểm./.