Tính đến hiện tại, giá vàng đã tăng khoảng 5% trong quý đầu tiên của năm 2022 và tăng 0,7% trong tháng Ba.
Giá vàng châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 31/3, nhưng kim loại quý này đang hướng tới thiết lập mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ tháng 9/2020 giữa bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng.
Trong phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,6%, xuống 1.921,55 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,7% xuống 1.925 USD/ounce.
Tính đến hiện tại, giá vàng đã tăng khoảng 5% trong quý đầu tiên của năm 2022 và tăng 0,7% trong tháng Ba.
Giá vàng châu Á giảm trong phiên cuối cùng của tháng Ba. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Michael McCarthy, Giám đốc chiến lược tại công ty môi giới tài chính Tiger Brokers (Australia), cho biết: “Các nhà đầu tư vàng đang cân bằng giữa tiềm năng giá tăng thêm dựa vào rủi ro địa chính trị và lạm phát, và triển vọng nguy hiểm của việc nắm giữ vàng với lãi suất tăng...”
Mặc dù vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và kinh tế, nhưng việc Mỹ nâng lãi suất làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý này - loại tài sản không có lãi suất.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1% xuống 24,59 USD/ounce, nhưng đây là mức tăng hàng quý tốt nhất kể từ tháng 6/2021. Trong khi đó, giá bạch kim giảm 0,8% xuống 982,22 USD/ounce, song cũng là mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ tháng 9/2020.
Trong khi đó, tại Việt Nam, vào lúc 14 giờ 52 phút, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,15 – 68,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)./.