Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh; tăng vai trò của cơ quan quản lý về quản lý giám sát; thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm. Do vậy, dự thảo sửa đổi luật này kỳ vọng sẽ tạo ra một bước tiến tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm.
Tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang được hoàn thiện và có thể sẽ được Quốc hội thông qua, ban hành cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành luật sau đó. Đánh giá về dự thảo luật, các chuyên gia của Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, dự thảo đã có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung mới đáng chú ý, kỳ vọng tạo bước chuyển tích cực cho thị trường bảo hiểm thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Nguyễn Thu Hà - Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu SSI Research cho rằng, dự thảo luật sửa đổi cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh; trong đó các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm như trước đây. Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.
Cụ thể hơn, các hướng dẫn mới để hỗ trợ sự thay đổi về vai trò của cơ quan lý và các công ty bảo hiểm đã nêu rõ nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là doanh nghiệp có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm.
Trong khi đó, Bộ Tài chính ban hành quy định về khung năng lực, tiêu chuẩn, hướng dẫn việc thực hiện các chức năng: đề xuất mức phí sàn, thẩm định phương pháp định phí bảo hiểm, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, thẩm định các yếu tố trong công thức tính toán vốn trên cơ sở rủi ro và một vài khía cạnh khác.
Như vậy, “các cơ quan quản lý hiện sẽ giám sát các công ty bảo hiểm về mặt mô hình hơn là đi sâu về kỹ thuật và từng sản phẩm riêng lẻ như trước” - bà Hà cho hay.
Nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc đưa ra một số quy định cấm các công ty bảo hiểm tham gia, thì điểm đáng chú ý nhất là việc đưa ra tỷ lệ an toàn vốn cùng với các yêu cầu khắt khe hơn về việc công bố thông tin.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi quy định về khả năng thanh toán và các biện pháp can thiệp khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giảm xuống một mức nhất định. Dự thảo không nêu rõ mô hình quản lý vốn nào sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Hà kỳ vọng đó là mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro (RBC) và chi tiết sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật. RBC sẽ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thúc đẩy tính minh bạch và phát triển lành mạnh của thị trường
“Nhìn chung, dự thảo luật sửa đổi cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh, trong đó các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm như trước đây. Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm” – chuyên gia SSI Research.
“Với những thay đổi về mô hình quản lý vốn, có thể sẽ có áp lực đẩy nhanh việc tăng vốn tại một số công ty bảo hiểm nhất định. Với tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành là rất lớn, những kế hoạch tăng vốn của các công ty bảo hiểm sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu bảo hiểm” - bà Hà nói.
Song song với đó, qua dự thảo, có thể thấy các cơ quan quản lý sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Theo đó, dự thảo luật đã bổ sung về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó có danh mục dịch vụ liên quan đến bảo hiểm được thực hiện toàn bộ hoặc một phần qua môi trường mạng.
“Hướng dẫn chung này và các quy định liên quan tiếp theo sẽ rất cần thiết đặc biệt trong bối cảnh các công ty bảo hiểm công nghệ (Insurtech) đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây” - chuyên gia của SSI Research nhấn mạnh.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi yêu cầu sự minh bạch hơn của ngành bảo hiểm. Theo đó, các công ty bảo hiểm phải công bố báo cáo tài chính bán niên và cả năm đã được kiểm toán, cũng như các báo cáo về khả năng thanh toán và quản trị rủi ro doanh nghiệp trên trang điện tử của công ty và trang thông tin của Bộ Tài chính. Báo cáo tài chính, báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm đều phải được kiểm toán.
Hiện tại, chỉ có một số công ty bảo hiểm công bố biên khả năng thanh toán trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.