Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa có văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng lên 17,5% vốn điều lệ.
Trước đó, VPBank đã thông báo lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.
Việc điều chỉnh room ngoại lên 17,5% là tỷ lệ đủ để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành.
Vì theo luật định, tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% và tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt 30% vốn điều lệ ngân hàng.
Tại buổi gặp gỡ trao đổi về tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh mới đây, VPBank cho biết, việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược vẫn đang theo đúng kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2022.
Nếu phát hành thành công, vốn chủ sở hữu của nhà băng này có thể đạt kỷ lục trên dưới 120.000 tỷ đồng, nằm trong nhóm dẫn đầu toàn ngành.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, trong năm 2022, ngân hàng tiếp tục củng cố nền tảng vốn bằng việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và kế hoạch này vẫn đang được triển khai hết sức tích cực.
Trên thị trường xuất hiện thông tin VPBank sẽ bán vốn cho SMBC. Phía SMBC sau khi không thành công với khoản đầu tư vào Eximbank cũng có ý định xoay trục sang một đối tác khác tại Việt Nam.
Năm 2021, SMBC đã hoàn tất việc ký kết và mua lại 49% cổ phần FE Credit từ VPBank. Thương vụ định giá FE Credit 2,8 tỷ USD.
Về kế hoạch kinh doanh, VPBank đặt ra nhiều kịch bản, trong đó có kịch bản tăng trưởng 30-35% mỗi năm trong 5 năm tới; đặt trọng tâm vào mảng khách hàng cả nhân, cho vay tiêu dùng, kinh doanh thẻ với đa dạng phân khúc, mảng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng thời, VPBank cũng sẽ mở rộng hệ sinh thái, tiếp tục cuộc cách mạng số hóa và tìm kiếm thêm các cơ hội kinh doanh.
Ngoài ra, lãnh đạo VPBank còn kỳ vọng vào sự phục hồi của khách hàng VPBank, đặc biệt là khách hàng của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng SMBC (FE Credit) với kịch bản FE Credit có thể quay trở lại mức lợi nhuận 5.000-6.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Năm 2022, VPBank dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng 18-20% tính riêng tại ngân hàng mẹ, nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên 23-27%. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 kỳ vọng tích cực hơn năm 2021.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu
VPB của VPBank kết phiên giao dịch ngày 3/3 đạt mức 37.450 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ trong tuần qua.