Chủ tịch HAGL xác nhận có việc phía NovaGroup đến tìm hiểu với tập đoàn nhưng việc hợp tác không thành.
Chia sẻ về thông tin công ty Anova thuộc tập đoàn NovaGroup, lãnh đạo tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) xác nhận là có việc đối tác tìm hiểu mua cổ phần nhưng việc hợp tác không thành.
Cụ thể, tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT HAGL cho biết vài tháng trước, phía NovaGroup có lên Gia Lai khảo sát vài lần.
“Sau khi đi vào bàn chi tiết, HAGL thấy bất lợi nhiều cái nên tôi lắc đầu và tìm đối tác khác”, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết.
Ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 - Ảnh: Huyền Châm
Ông Đức không chia sẻ cụ thể về bất lợi khi hợp tác với NovaGroup nhưng có thể đoán được đó là do mục đích của hai bên là khác nhau. Bởi tại đại hội lần này, HAGL lên kế hoạch phát hành 161 triệu cổ phiếu nhằm huy động 1.700 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của Chủ tịch
HAG, tập đoàn huy động tiền để đầu tư và trả nợ trái phiếu. Bầu Đức khẳng định thời điểm này HAGL chỉ cần tiền, chưa cần đối tác để phát triển hệ sinh thái mảng nông nghiệp.
Thông tin thêm về việc huy động vốn, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, hiện đã có 2 đối tác Chứng khoán VP Bank (VPBank Securities) cùng với một quỹ ở Hà Nội muốn tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ trị giá 1.700 tỷ.
Theo kế hoạch,
HAG sẽ phát triển với mảng cây ăn trái với việc trồng thêm 2.000ha chuối, nâng tổng diện tích chuối lên thành 7.000ha. Với ngành chăn nuôi, công ty sẽ xây dựng thêm 9 cụm chuồng trại nuôi heo nái và heo thịt (2 cụm tại Lào, 2 cụm tại Campuchia), nâng tổng cụm chuồng trại lên thành 16, công suất hơn 1 triệu con heo thịt mỗi năm. Mục tiêu mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái và 60.000 con theo thịt.
Nếu việc phát hành cổ phiếu cũng như triển khai mở rộng chuồng trại, diện tích trồng cây ăn trái, bầu Đức cho biết tự tin đạt được mục tiêu doanh thu đề ra 4.800 tỷ và lợi nhuận hơn 1.100 tỷ trong năm nay.
Với NovaGroup, trong kế hoạch tái cơ cấu hồi đầu năm 2021, tập đoàn đề ra tham vọng với một nhánh trong hệ sinh thái là Nova Consumer Group với nông nghiệp, hàng tiêu dùng, đây vốn là mảng kế thừa của Anova.
Năm 2021, Nova Consumer ghi nhận doanh thu và lãi ròng lần lượt 3.700 tỷ và 300 tỷ đồng. Kết quả này đạt được từ việc mở rộng sang ngành hàng tiêu dùng ở mảng thực phẩm, thức uống để dần khép kín chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed – Farm – Food).
Trong buổi IPO mới đây của Nova Consumer, lãnh đạo cho rằng tự tin là công ty duy nhất hoàn thiện 3 mảnh ghép trong chuỗi 3F gồm con giống, vaccine, thức ăn chăn nuôi và trang trại, là đầu vào tốt cho ngành hàng tiêu dùng, vốn được mở từ 2021.
Lãnh đạo công ty cho biết họ chiếm hơn 30% thị phần kinh doanh thuốc thú y, ba nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 730.000 tấn mỗi năm và nhiều trang trại chăn nuôi. Năm 2022, Nova Consumer sẽ hoàn thiện chuỗi danh mục sản phẩm, theo đó có sự tăng trưởng từ 3F và FMCG.
Nova Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2022-2026 từ 4-5 lần, đạt mức 1.300 tỷ đến 1.500 tỷ đồng, đặt mục tiêu vốn hóa vượt 1 tỷ USD trong 3 năm tới.
Và chiến lược để công ty mở rộng hoạt động là việc đẩy nhanh hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) để sớm có danh mục sản phẩm, tập trung vào ba ngành hàng chính, là thực phẩm, đồ uống và dinh dưỡng...
Như vậy có thể thấy chiến lược của NovaGroup là M&A, đây có thể là lý do việc tìm hiểu hợp tác với phía HAGL không thành. Bởi như đã nói ở trên, lúc này, bầu Đức và HAGL chỉ cần tiền, chưa cần đối tác phát triển hệ sinh thái.