Chứng khoán thế giới hầu hết giảm điểm trong phiên 26/4, khi giới đầu tư lo lắng về tác động của sự bùng phát dịch COVID-19 ở Trung Quốc và lãi suất tăng ở Mỹ.
Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,4% xuống 33.240,18 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 sụt mất 2,8% xuống 4.175,20 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 4% và khép phiên ở mức 12.490,74 điểm.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đa phần không thể duy trì đà tăng ghi nhận hồi đầu phiên. Theo đó, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,5% xuống 6.414,57 điểm và chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 1,2% xuống 13.756,40 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 1% xuống 3.721,36 điểm.
Chứng khoán thế giới đa phần giảm trong phiên 26/4. Ảnh: TTXVN phát
Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) là ngoại lệ khi vẫn nhích được 0,1% lên 7.386,19 điểm.
Ngân hàng đầu tư Charles Schwab (Mỹ) nhận định đợt bán tháo gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ do một loạt “điềm xấu” thúc đẩy, như việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp tháng Năm.
Các nhà phân tích tại Charles Schwab cho biết chứng khoán thế giới tiếp tục đối mặt với một loạt “cơn gió ngược”, bao gồm sự quyết liệt của Fed trong tương lai, xung đột đang diễn ra ở Ukraine, áp lực lạm phát toàn cầu và các đợt đóng cửa liên quan đến dịch COVID-19 ở Trung Quốc.
Ngay cả khi số liệu mới nhất của Chính phủ Mỹ cho thấy số đơn đặt hàng đối với hàng hóa chế tạo có giá trị lớn đã tăng trong tháng trước cũng không đủ để xoay chuyển tình hình.
Chuyên gia Patrick J O'Hare của chuyên trang phân tích tài chính Briefing.com (Mỹ) cho biết phản ứng mờ nhạt của thị trường là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang nghi ngờ việc liệu các hoạt động kinh tế còn có thể duy trì đà tăng mạnh mẽ khi đối mặt với những trở ngại rõ ràng đối với tăng trưởng. Chúng bao gồm các ngân hàng trung ương lớn có quan điểm thắt chặt chính sách tiền tệ cùng áp lực chuỗi cung ứng hiện thời từ các đợt phong tỏa tại Trung Quốc.
Tâm lý thị trường được xoa dịu phần nào sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) tuyên bố sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng. Tuy nhiên, các biện pháp phòng dịch của Trung Quốc đã "giáng một đòn mạnh" vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dẫn đến những lo ngại về tác động đối với phần còn lại của thế giới - do nhiều nước phụ thuộc vào hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Tại thị trường trong nước, đóng phiên ngày 26/4, chỉ số VN-Index tăng 30,42 điểm lên 1.341,34 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 7,66 điểm lên 345,17 điểm./.