Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu năm nay với doanh thu 17.500 tỉ đồng, tăng 54% so với thực hiện năm trước, lợi nhuận hợp nhất 350 tỉ đồng, tăng 261%.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE:
HBC) chia sẻ tại Đại hội Cổ đông thường niên 2022: Kế hoạch doanh thu 5 năm tăng 5 lần đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh vào năm 2020 và 2021.
Kế hoạch chiến lược năm 2022 là bản lề cho chiến lược phát triển dân dụng, công nghiệp và hạ tầng, là năm khởi đầu cho kế hoạch chiến lược 10 năm (2022 – 2032). Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết mục tiêu đến năm 2023, doanh thu đạt 437.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 21.875 tỉ đồng, tương đương 5% doanh thu.
Năm nay, Hội đồng Quản trị trình mục tiêu doanh thu 17.500 tỉ đồng, tăng 54% so với thực hiện năm trước, lợi nhuận hợp nhất 350 tỉ đồng, tăng 261%. Kế hoạch này một phần đến từ việc thoái vốn 2 dự án bất động sản (đã bán, chưa hoàn tất thủ tục để ghi nhận lợi nhuận), theo ông Lê Viết Hiếu, Tổng Giám đốc.
Giá trị trúng thầu mục tiêu năm nay là 20.000 tỉ đồng, trong đó 15.000 tỉ đồng dân dụng và 5.000 tỉ đồng công nghiệp. Ông Lê Viết Hiếu công bố hiện tại, Tập đoàn đã đạt gần 50% chỉ tiêu trúng thầu năm nay. Giá trị hợp đồng chuyển tiếp (Backlog) năm 2021 chuyển qua năm 2022 là 16.000 tỉ đồng, có thể ghi nhận 11.000 tỉ đồng doanh thu. Ông Hiếu khẳng định kế hoạch trúng thầu năm nay hoàn toàn đạt được, tính đến tháng 4 đã đạt 9.300 tỉ đồng.
Quý I, doanh thu khoảng 2.900 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 10 – 20 tỉ đồng. Ảnh: TL.
Ông Lê Viết Hiếu nói quý I, doanh thu khoảng 2.900 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 10 – 20 tỉ đồng. Đây là thời điểm vướng tháng Tết nên chi phí phải trả tăng trong khi sản lượng không đổi nên quý này thường thấp hơn các quý khác. Về kế hoạch năm nay, ông Hiếu nói lợi nhuận sẽ được ghi nhận từ việc bán 2 dự án bất động sản.
Hội đồng Quản trị dự kiến phương án trả cổ tức 2021 với tỷ lệ 10%, 3% bằng tiền (khoảng 73,6 tỉ đồng) và 7% bằng cổ phiếu.
Ban lãnh đạo định hướng đối với mảng dân dụng, bất động sản nhà ở sẽ phát triển trở lại do chính sách phá băng bất động sản và nguồn vốn FDI cho phân khúc hạng sang đến siêu sang rất lớn. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng vốn là những khách hàng tiềm năng của tập đoàn.
Về mảng công nghiệp, ban lãnh đạo tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển giá trị trong thị trường công nghiệp chế biến, chế tạo theo làn sóng dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam. Tập đoàn tiếp tục là đối tác tin cậy của các nhà phát triển bất động sản công nghiệp – logistic với tiềm năng thị phần tăng 300 lần trong 10 năm tới.
Năm 2022, Hòa Bình đặt mục tiêu quay lại với các mảng công nghiệp nặng như nhà máy chế tạo gang thép - tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án Hòa Phát Dung Quất quy mô gấp đôi giai đoạn đầu, năng lượng sạch với các nhà máy nhiệt điện, điện khí hóa lỏng như nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), nhà máy khí GAS tự nhiên T&T 1 2 3… Đây sẽ là bước đi tiền đề để phát triển doanh thu trong 10 năm tới.