Cổ phiếu DQC của CTCP Bóng đèn Điện Quang gần đây có 4/7 phiên giảm sàn sau khi có thông tin một xí nghiệp đèn ống của công ty này tại Biên Hòa, Đồng Nai bị bắt quả tang đang xả trực tiếp chất thải nguy hại ra môi trường.
Đóng cửa phiên 28/4, cổ phiếu
DQC của CTCP Bóng đèn Điện Quang tăng trần lên 28.650 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đây chỉ là phiên tăng trần hiếm hoi của cổ phiếu này sau chuỗi rơi mạnh 55% từ mức đỉnh 64.000 đồng/cổ phiếu thiết lập ngày 18/3.
Đáng chú ý, cổ phiếu này đã có 7/8 phiên gần đây ghi nhận mức giảm mạnh, thậm chí có 4 phiên giảm sàn sau thông tin liên quan đến bê bối xả thải trái phép ra môi trường.
Diễn biến cổ phiếu DQC 1 năm qua
Cụ thể, chiều ngày 20/4, lực lượng Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng bắt quả tang công nhân xí nghiệp đèn ống của CTCP Bóng đèn Điện Quang, tại khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường An Bình, TP.Biên Hòa đang thực hiện hành vi tiêu hủy chất thải nguy hại không đúng quy định.
Tại thời điểm kiểm tra, 3 nhân viên đang tiến hành tiêu hủy các vỏ bóng đèn thải. Bước đầu, các nhân viên này khai nhận thực hiện xay nghiền từ ngày 8/3/2022, đến nay.
Tại hiện trường, lực lượng công an phát hiện có khoảng gần 5 tấn thủy tinh có hóa chất chứa trong 195 bao và gần 370 nghìn bóng đèn chưa kịp xay nghiền đựng trong các sọt nhựa. Nước thải trong quá trình xay nghiền bóng đèn được thoát ra trực tiếp hệ thống mương thoát nước.
Tiếp đó, trong hai ngày 22 và 23/4, các đơn vị chức năng của tỉnh Đồng Nai tiến hành khai quật các vị trí bên trong xí nghiệp đèn ống trên. Qua đó, phát hiện hơn 42 tấn chất thải nguy hại gồm miếng thủy tinh nhiễm chất thải nguy hại và nước thải từ quá trình xay nghiền bóng đèn thải.
Theo cơ quan chức năng, trong vỏ bóng đèn thải có chứa thủy ngân và lưu huỳnh nên độc hại nếu không được xử lý theo quy định.
Bước đầu, qua test nhanh nước thải, cơ quan chức năng xác định độ PH vượt 7 lần cho phép. Toàn bộ số chất thải này được lực lượng chức năng và xí nghiệp đèn ống thống nhất giao cho một đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ngày 22/4,
DQC đã có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Tuy nhiên, cổ phiếu
DQC vẫn chứng kiến 3 phiên giảm sàn liên tục trong 3 ngày 22, 25 và 26/4.
Trong văn bản giải trình,
DQC cho biết, từ ngày thành lập,
DQC luôn nhất quán với các tiêu chí an toàn (an toàn trong sản xuất, an toàn trong sản phẩm, an toàn với môi trường) và tuân thủ quy định của pháp luật.
Trong thời gian thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/08/2013 về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, công ty đã tích cực lập kế hoạch và cho triển khai thu hồi các loại bóng đèn huỳnh quang thải bỏ (thời điểm thu hồi vào năm 2015); cải tiến quy trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường; khắc phục tình trạng thu gom, tái chế manh mún, gây tác động xấu đến môi trường.
Ngoài ra, định kỳ hàng năm, công ty đều tổ chức quan trắc và báo cáo kết quả giám sát môi trường; cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường lao động. Đặc biệt, tại nhà máy Công Nghệ Cao đã triển khai xây dựng, đưa vào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng về môi trường theo ISO 14001:2015 và đã được cấp giấy chứng nhận. Công ty cũng đã ngưng toàn bộ dây chuyền sản xuất đèn huỳnh quang ống thẳng, thay vào đó là sản xuất sản phẩm đèn LED không chứa thủy ngân, thân thiện và bảo vệ môi trường.
Với định hướng và các tiêu chí nhất quán nêu trên,
DQC khẳng định thông tin liên quan tới Xí nghiệp Đèn ống Biên Hòa hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương của công ty. Ngay khi sự việc xảy ra, công ty đã chủ động rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất, phân loại, xử lý chất thải tại các hệ thống các chi nhánh - xí nghiệp thuộc đơn vị. Đồng thời yêu cầu xí nghiệp tích cực hợp tác, hỗ trợ cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, phân tích, lấy mẫu các khu vực, để thẩm định sự việc.
Kết quả kinh doanh không mấy khởi sắc
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 vừa công bố,
DQC ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 208 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của công ty chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính lại tăng hơn 50% lên 2,6 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế,
DQC ghi nhận lợi nhuận sau thuế (LNST) hơn 8,9 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, trong đó, LNST công ty mẹ đạt 2,7 tỷ đồng, giảm 19,5% so với cùng kỳ.
Giải trình về LNST công ty mẹ giảm so với cùng kỳ,
DQC cho biết chủ yếu do công ty đưa ra các chính sách bán hàng nhằm kích thích cầu thị trường đẩy mạnh doanh thu bán hàng. Trong khi đó LNST hợp nhất tăng so với cùng kỳ chủ yếu do doanh thu tăng và chi phí cũng đã được công ty kiểm soát tốt hơn.
Cũng theo báo cáo, tại thời điểm 31/3/2022, tổng tài sản của
DQC ghi nhận gần 1.426 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm hơn 27,5% còn gần 41 tỷ đồng, trong khi đầu tư tài chính ngắn hạn tăng hơn 20% lên 63,4 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn hơn 7% lên 407 tỷ đồng; tài sản dài hạn giảm nhẹ xuống 488 tỷ đồng.
Giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 31/3 gần như đi ngang, ghi nhận hơn 37 tỷ đồng, chủ yếu đến từ nguyên liệu vật liệu và hàng hóa.
Trước đó, năm 2021,
DQC ghi nhận doanh thu 749 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 21,6 tỷ đồng.