Bị bán mạnh trong suốt quý 1, cổ phiếu công nghệ đã có một phiên tăng rực rỡ vào ngày thứ Hai, sau khi một cổ phiếu truyền thông xã hội nhận được sự “phê chuẩn” quan trọng từ doanh nhân kiêm nhà đầu tư sừng sỏ Elon Musk...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (4/4), khi nhà đầu tư phớt lờ nỗi lo suy thoái kinh tế và gom mua mạnh cổ phiếu công nghệ đã bị bán tháo trong quý 1. Giá dầu thô tăng 4% vì khả năng Nga bị phương Tây siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 103,61 điểm, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 34.921,88 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,81%, đạt 4.582,64 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ hai liên tiếp. Vượt trội là chỉ số Nasdaq, với mức tăng 1,9%, đạt 14.532,55 điểm.
Năm nay, Nasdaq từng có thời điểm rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), nhưng đã hồi phục và hiện chỉ còn thấp hơn 10% so với kỷ lục.
Bị bán mạnh trong suốt quý 1, cổ phiếu công nghệ đã có một phiên tăng rực rỡ vào ngày thứ Hai, sau khi một cổ phiếu truyền thông xã hội nhận được sự “phê chuẩn” quan trọng từ doanh nhân kiêm nhà đầu tư sừng sỏ Elon Musk. Cổ phiếu Twitter tăng hơn 27% sau khi có tin CEO của Tesla mua 9,2% cổ phần thụ động (passive statke) trong công ty này.
Đây là phiên tăng mạnh nhất của cổ phiếu Twitter kể từ khi mạng xã hội này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Giới đầu tư đồn đoán động thái của ông Musk có thể dẫn tới một vụ mua đứt Twitter hoặc những thay đổi lớn khác, cho dù đây chỉ là cổ phần thụ động.
Cổ phiếu Tesla cũng có một ngày rực rỡ, tăng 5,6%, nhờ công ty vào cuối tuần báo cáo số xe được giao cho khách hàng đạt kỷ lục trong quý 1. Các cổ phiếu công nghệ lớn gồm Apple, Amazon, Alphabet, và Nvidia đồng loạt tăng hơn 2%. Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, gồm Alibaba và JD.com, cũng tăng mạnh.
“Do đã bị bán nhiều trong quý 1, cổ phiếu công nghệ giờ đây đang có sự phục hồi mang tính giải toả. Các nhóm cổ phiếu tăng trưởng khác cũng vậy… Một phần là bởi không có thêm nhiều tin tức mới gia tăng áp lực đối với Nasdaq”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA nhận định.
Nhà đầu tư dường như không lo lắng nhiều về dấu hiệu suy thoái kinh tế phát đi từ thị trường trái phiếu. Đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm, cũng như giữa trái phiếu 5 năm và 30 năm đều đang trong trạng thái đảo ngược. Lịch sử cho thấy, sự đảo ngược của đường cong trái phiếu kho bạc Mỹ - tuy không đảm bảo – thường báo trước một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ có thể xảy ra sau bình quân khoảng 1 năm rưỡi đến 2 năm.
“Có vẻ như đồng hồ đếm ngược đến một cuộc suy thoái đã bắt đầu. Tin tốt là lịch sử cho thấy thường mất khoảng 2 năm thì suy thoái mới thực sự xảy đến” kể từ khi đường cong lợi suất đảo ngược – chuyên gia Ryan Detrick của LPL Financial nhận định.
“Thị trường cổ phiếu và trái phiếu tiếp tục phát đi những tín hiệu trái chiều về triển vọng kinh tế”, ngân hàng UBS nhận định trong một báo cáo. “Chúng tôi khuyến cáo nhà đầu tư không nên quá nghiêng về tín hiệu nào. Sự đảo ngược của đường cong lợi suất trong lịch sử thường báo trước suy thoái, với độ trễ dài. Trong khi đó, những hy vọng về đàm phán ngừng bắn ở Ukraine hết tăng rồi lại giảm”.
Giá dầu bật tăng mạnh, với giá dầu WTI lấy lại mốc 100 USD/thùng, sau khi giảm mạnh và tuột khỏi mốc này trong tuần trước.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 3%, đạt 107,53 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 4,01 USD/thùng, tương đương tăng hơn 4%, đạt 103,28 USD/thùng.
Dầu tăng giá do số dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến tranh ở Ukraine gia tăng, gây sức ép đối với các nước châu Âu về áp các biện pháp trừng phạt lên ngành năng lượng của Nga. Khả năng Nga bị siết trừng phạt dẫn tới đánh giá rằng nguồn cung năng lượng có thể trở nên thắt chặt hơn.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng Nga sẽ phải “cảm nhận hậu quả” và các đồng minh phương Tây có thể nhất trí gia tăng trừng phạt đối với Moscow sau vài ngày nữa. Tuy nhiên, chi tiết về kế hoạch chưa được công bố.
Tuần trước, giá dầu giảm khoảng 13%, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đợt xả kỷ lục dầu dự trữ và các quốc gia thành viên của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) cam kết phối hợp với Mỹ trong đợt xả này. Trong tháng 3, giá dầu Brent có lúc đạt 139 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2008.
Phiên ngày thứ Hai, giá dầu còn được hỗ trợ khi có tin cuộc đàm phán ở Vienna nhằm phục hồi thoả thuận hạt nhân Iran lại rơi vào ngưng trệ. Nếu được khôi phục, thoả thuận này sẽ mở đường cho sự gia tăng trở lại của nguồn cung dầu từ Iran.