Lợi suất trái phiếu tăng vọt đã gây áp lực lên thị trường vàng khiến giá vàng thế giới hôm nay (6/4) giảm xuống 1.921,8 USD/ounce. Trong nước, giá vàng biến động nhẹ, mất mốc 69 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, đầu giờ sáng 6/4 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.921,8 USD/ounce, giảm 11,6 USD/ounce so với ngày trước đó. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 cũng giảm 7,4 USD xuống còn 1.926,5 USD/ounce.
Giá vàng trong nước mất mốc 69 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giảm sau bình luận diều hâu của Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Lael Brainard. Cụ thể, FED sẽ thực hiện một loạt các đợt tăng lãi suất trong năm nay để hạ nhiệt lạm phát. Phát biểu này đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên mức 2,466%. Lợi suất trái phiếu tăng vọt đã gây áp lực lên thị trường vàng.
Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp trong tháng 3 vừa qua của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Biên bản cuộc họp của FOMC sẽ tiết lộ chi tiết về kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán của FED. Với văn bản này, các nhà đầu tư sẽ có thêm manh mối về động thái của FED trong việc thắt chặt tiền tệ và xu hướng lạm phát tại Mỹ trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, rạng sáng ngày 6/4, giá vàng biến động nhẹ. Cụ thể, giá vàng SJC ở cả 3 khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán so với ngày trước đó. Với mức giảm này, giá vàng JSC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết 68,2 - 68,87 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Tương tự, Tập đoàn Phú Quý cũng giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, niêm yết 68,15 - 68,8 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn DOJI ở khu vực Hà Nội tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua lên mức 68,2 triệu đồng/lượng nhưng giữ nguyên mức giá bán ra của ngày hôm trước là 68,85 triệu đồng/lượng. Ở khu vực TP Hồ Chí Minh, giá vàng đang niêm yết 68,1 - 68,9 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với ngày trước đó.
Trước đó, giá vàng trong nước đồng loạt giảm 50.000 - 200.000 đồng/lượng vào cuối phiên chiều qua (5/4), sau khi có sự phục hồi nhẹ vào đầu phiên.
Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) của vàng trong giai đoạn 2010-2021 ở mức 8%. Khi Covid-19 mới bùng phát, rủi ro bất ổn khiến nhiều nhà đầu tư hay đầu cơ tăng tỷ trọng tài sản sang vàng, đẩy giá kim loại quý này lên đỉnh. Gần đây, khi tình hình địa chính trị Nga - Ukraine bắt đầu trở nên căng thẳng, giá vàng cũng nhanh chóng leo thang. Bởi lẽ vàng vẫn luôn được xem là tài sản trú ẩn, phòng ngừa rủi ro khi thị trường biến động như chiến tranh, thiên tai.... dù tỷ suất sinh lời khá khiêm tốn so với các loại tài sản khác.
Tuy nhiên, vàng cũng chính là tài sản thường được bán ra đầu tiên khi rủi ro biến động qua đi, nên người dân cần lưu ý không nên mua vào khi thị trường đang ở đỉnh của biến động. Ngoài ra, chênh lệch của giá vàng trong nước so với thế giới cũng có nhiều đợt giãn rộng, thời điểm cao nhất lên đến 20 triệu đồng/lượng. Do đó, người mua cũng cần lưu ý để hạn chế rủi ro.
So với việc gửi tiết kiệm (an toàn hơn) hay chứng khoán (hiệu quả sinh lời tốt hơn: 11%), tùy theo khẩu vị rủi ro, nhưng việc cân nhắc chia % đầu tư, mà vàng cũng chiếm tỉ lệ nhất định trong tổng tài sản là thông minh nhất.
Tại thời điểm khảo sát giá vàng thế giới, USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,49%, đạt mức 99,48 điểm.
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 5/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giữ nguyên ở mức: 23.098 VND/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào bán ra giữ nguyên ở mức: 22.550 - 23.050 VND/USD.