Là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng đồ uống. Trà và cà phê của Việt Nam giữ một vị trí quan trọng tại thị trường Trung Quốc.
Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, trong 2 ngày (11 và 12-5) vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đã phối hợp với Thương vụ, các chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến đồ uống Việt Nam - Trung Quốc 2022”.
Có gần 60 nhà nhập khẩu đồ uống Trung Quốc đã đăng ký giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc tham dự hội nghị đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Côn Minh và Nam Ninh.
Tại phiên toàn thể, đại diện Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đã giới thiệu cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực cà phê, ca cao và đồ uống Việt Nam trong bối cảnh mới.
Đồ uống Việt Nam đang có thị phần khá tốt tại Trung Quốc
Về phía Trung Quốc, ông Trương Tế Đông, Chủ tịch Hiệp hội Đồ uống thành phố Trùng Khánh và ông Dư Cường, Phó Cục trưởng Cục Thương mại thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), đã thông tin về thị trường và nhu cầu thị trường Trùng Khánh, Tứ Xuyên đối với sản phẩm đồ uống…
Sau phiên toàn thể, các phiên giao thương trực tuyến diễn ra giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc. Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp đồ uống Việt Nam quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng từ thị trường Trung Quốc.
Là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng đồ uống. Trà và cà phê của Việt Nam giữ một vị trí quan trọng tại thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc là một thị trường lớn nhưng lại có tính cạnh tranh cao. Chính vì vậy, để xuất khẩu đồ uống Việt Nam sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực xúc tiến thương mại, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho rằng với những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối giao thương, cung cấp thông tin thị trường liên tục trong thời gian vừa qua và tiếp tục nối lại các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống với thị trường Trung Quốc, Cục Xúc tiến thương mại hy vọng ngành đồ uống của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng lượng và chất của sản phẩm cung cấp cho thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Hiện nay, do chính sách chống dịch gắt gao của Trung Quốc nên việc xúc tiến thương mại trực tiếp đã không thể thực hiện trong hơn 2 năm qua. Mặc dù vậy, nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để đẩy mạnh kết nối trực tuyến nên các doanh nghiệp Việt vẫn đang tìm được đối tác để mở rộng thị trường tại Trung Quốc.