Nhà đầu tư có thể sử dụng HĐTL VN30 như một công cụ phòng vệ cho danh mục đang thua lỗ từ cơ sở. Tuy nhiên, biến động của VN30 cũng đang rất khó chịu trong những ngày cận kề đáo hạn phái sinh.
Trong phiên ngày thứ Năm tới, thị trường sẽ vào kỳ đáo hạn phái sinh tháng 5/2022. Cho đến lúc này, khối lượng mở OI vẫn chưa có dấu hiệu thu hẹp mà vẫn neo ở mức khá cao với hơn 35 nghìn hợp đồng.
Thông thường, OI ở mức dưới 30 nghìn sẽ là trạng thái được xem là phù hợp nhưng với trạng thái nắm giữ qua đêm vẫn cao thì tính "sát phạt" của phái sinh vẫn còn rất mạnh.
Trong các phiên giao dịch trước, nhà đầu tư chịu thua lỗ từ TTCK cơ sở có thể mở các vị thế short để bù đắp lại thiệt hại. Tuy nhiên, càng về giai đoạn cuối, HĐTL VN30F2205 càng trở nên khó lường. Liên tiếp là các nhịp đảo chiều của VN30 khiến cho các vị thế có từ lãi chuyển sang lỗ hoặc ngược lại.
Ở đầu phiên, VN30 đã bị kéo xuống giúp phe short chiếm ưu thế hơn nhưng tới khoảng 10h30, chỉ số này lại đảo chiều khiến phe này mất lợi thế.
Nhìn vào các các nhân tố tác động tới VN30, rất khó để phán đoán về xu hướng của chỉ số này. Các mã VHM (-2,4%), SAB (-1,8%), VIC (-1,6%), VRE (-0,8%) đang cố ghìm chỉ số trong khi chiều tăng đang có sự hồi phục mạnh của STB (+4,7%), SSI (+4,6%), POW (+4,3%), MBB (+3,7%), TCB (+3,1%), VPB (+2,9%), BID (+2,5%)…
Số lượng các mã tăng đang tốt hơn nhưng các mã có tầm vóc vốn hóa lớn nhất như VIC, VHM, VRE lại đang xuất hiện sắc đỏ khiến cho biến động VN30 trở nên khá nhiễu.
Sự hồi phục của thị trường cơ sở cũng trở nên rời rạc với một số mã tăng mạnh như VCI, PVD, HBC trong khi HAH, DPM, FRT, VSC vẫn điều chỉnh mạnh.
VN-Index tới khoảng 10h30 đang giao dịch tại 1.177 điểm còn HNX-Index đang giao dịch tại 308 điểm.
DXG, DXS giảm mạnh: Không chỉ tin đồn, KQKD Đất Xanh, Đất Xanh Services cũng thụt lùi, dòng tiền kinh doanh âm nặng