Nhà đầu tư cá nhân có xu hướng chỉ khi thị trường đã tăng lên một thời gian rồi và thấy mọi người xung quanh mình có lãi thì họ mới bắt đầu tham gia và mong muốn là nó sẽ lên tiếp.
Kể từ cuối năm 2020, thị trường chứng khoán đã có những tín hiệu bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới. Và cũng từ thời điểm này, nhà đầu tư mới tham gia giao dịch chứng khoán liên tục gia tăng. Tính chung cả năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm trước đó cộng lại. Trong khi đó, VN-Index cũng tăng 35,4% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên bước sang năm 2022, sau những phiên đi ngang, chỉ trong khoảng 2 tháng vừa qua thị trường bất ngờ quay đầu giảm nhanh và sâu, VN-Index mất đi hơn 20%, khiến nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ nặng.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA,Phó Tổng giám đốc CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF) đã chia sẻ những chiến lược quản trị rủi ro trong bối cảnh thị trường biến động.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF)
BTV Mùi Khánh Ly: Nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường đã lần đầu chứng kiến thị trường giảm điểm nhanh và mạnh như giai đoạn vừa qua, lúc này câu chuyện về quản trị rủi ro cho danh mục được quan tâm hơn, theo bà thì sao?
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga: Trước hết chúng ta phải hiểu rủi ro là gì đã, rủi ro được định nghĩa là xác suất mà mình không đạt được lợi nhuận kỳ vọng. Tuy nhiên đối với nhà đầu tư cá nhân, mọi người quan tâm nhiều nhất đến rủi ro khi họ bị lỗ. Khi thị trường đang đi lên, mọi người có thể tạm gác lại nỗi lo đó vì cứ mua là cổ phiếu tăng. Thế nhưng, chúng ta phải hiểu rằng thị trường chứng khoán luôn luôn có lên và có xuống. Do đó, khi đầu tư, mọi người phải luôn nghĩ được hai chiều để làm sao đạt được lợi nhuận khi thị trường lên nhưng cũng phải kiểm soát được rủi ro khi thị trường có những biến động.
Trong vài phiên gần đây thị trường đã có một số tín hiệu phục hồi trở lại và nếu trong trường hợp thị trường đi lên thì rủi ro có hết đối với nhà đầu tư không?
Thực ra tôi nghĩ đầu tư bất kỳ cái gì cũng cần quan tâm đến quản trị rủi ro cả. Đặc biệt là cổ phiếu được coi là một loại tài sản có rủi ro cao. Và rủi ro cao ở đây được định nghĩa rằng nó có thể biến động mạnh, nó có thể có lên rất mạnh và cũng có thể xuống rất nhanh. Khi đầu tư, bất kỳ lúc nào thì bạn vẫn phải nhận thức được là bản chất của thị trường chứng khoán là như vậy.
Ngoài ra, cổ phiếu là chứng nhận bạn sở hữu cổ phần công ty, bạn là chủ công ty đó và lợi nhuận mà bạn nhận được sẽ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Đồng thời, nếu nó được mang lên thị trường để giao dịch, nó lại còn phụ thuộc vào cung cầu, phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư. Tâm lý này lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố và nó có thể đến từ bất kỳ lúc nào. Ví dụ như đại dịch Covid 19, chiến tranh giữa Nga và Ukraine…
Vậy nên, nếu bây giờ bạn đầu tư vào thị trường cổ phiếu mà kỳ vọng nó không có rủi ro, thì điều đấy là hoàn toàn không bao giờ có thể xảy ra được. Ngay cả những thị trường chứng khoán rất phát triển như Mỹ cũng biến động mạnh, từ đầu năm đến nay cũng giảm 13%, trước đó cũng tăng trong cả quá trình sau dịch Covid.
Không phải ai cũng biết đến quản lý rủi ro cho danh mục. Việc người dân đầu tư chứng khoán gia tăng, đó là một tín hiệu tốt, nhưng đổi lại, tâm lý nhà đầu tư cũng dễ bị ảnh hưởng khi thị trường có biến động, ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Thứ nhất, việc người dân tham gia nhiều hơn vào thị trường chứng khoán cũng là xu hướng tất yếu mà đã từng xảy ra ở rất là nhiều nước. Khi người dân đầu tư vào cổ phiếu sẽ có lợi ở hai điểm.
Thứ nhất là có lợi cho chính người dân, bởi về mặt dài hạn đã chứng minh, bản thân cổ phiếu là tài sản mà có thể mang lại lợi nhuận cao nhất trong dài hạn cho nhà đầu tư. Ngoài ra thì thị trường cổ phiếu là một kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng của nền kinh tế. Khi người dân tham gia nhiều hơn vào thị trường cổ phiếu thì rõ ràng, doanh nghiệp sẽ có khả năng huy động vốn hơn và cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc người dân tham gia nhưng mà lại tự đầu tư, mọi người nghĩ là việc đầu tư cổ phiếu rất đơn giản nhưng mà thực tế không phải như vậy. Bởi nhà đầu tư cá nhân có xu hướng chỉ khi thị trường đã tăng lên một thời gian rồi và thấy mọi người xung quanh mình có lãi thì họ mới bắt đầu tham gia và mong muốn là nó sẽ lên tiếp. Thực ra bản chất của đầu tư khi để có lãi bạn sẽ phải mua thấp, bán cao, tức là mua rẻ, bán đắt. Nhưng ở đây nhà đầu tư sẽ bị mua cao và nghĩ là mình có thể bán cao hơn. Do đó, rủi ro không phải là lúc thị trường giảm mà rủi ro tiềm ẩn là lúc mà bạn phải mua vào với giá cao.
Khi thị trường giảm mạnh mọi người mới bắt đầu cảm nhận được sự thua lỗ và họ sẽ dừng lỗ - stop loss. Nhưng trong trường hợp stop loss ở những cổ phiếu có giá trị thực thì nhà đầu tư lại bị bán đúng đáy. Đấy thì nhà đầu tư cá nhân, họ sẽ bị rơi vào vòng xoáy như vậy, sẽ mua cao, bán thấp và bị ảnh hưởng về tâm lý.
Tôi nhớ là quý 1 năm nay chẳng hạn, nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm khoảng 85% giá trị giao dịch của thị trường, thành ra là sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến biến động của thị trường. Ở các nước phát triển hơn thì ban đầu thì có thể họ cũng tự đầu tư. Ví dụ như Mỹ những năm 1990 thì cũng phải khoảng gần 80% nhà đầu tư cá nhân họ tự đầu tư, nhưng đến năm 2020 thì chỉ có khoảng 60% là họ tự đầu tư thôi, còn 40% là họ sẽ đầu tư cho vào các quỹ.
Vậy theo bà, nhà đầu tư nên quản lý rủi ro đầu tư như thế nào cho hiệu quả?
Nếu nhà đầu tư cá nhân không có kiến thức về đầu tư tài chính, chưa bao giờ nhìn thấy báo cáo tài chính của công ty, chưa biết đội ngũ quản lý công ty là ai, công ty đấy hoạt động trong lĩnh vực nào thì tốt nhất không nên tự đầu tư. Bởi vì nếu tự đầu tư dựa vào những thông tin ở trên thị trường hay là dựa trên tư vấn của một số những đội nhóm nào đấy thì sẽ rất là rủi ro. Với những nhà đầu tư không chuyên như thế thì tốt nhất là đầu tư thông qua các tổ chức chuyên nghiệp.
Còn nếu bạn vẫn muốn tự đầu tư cổ phiếu thì tôi nghĩ là quan trọng nhất bạn quản trị được rủi ro cho mình. Ví dụ như tại VCBF để quản trị rủi ro chúng tôi sẽ có ba cách.
Thứ nhất là lựa chọn cổ phiếu phải đánh giá rất kỹ trên mọi khía cạnh của công ty và quan trọng nhất là phải đưa vào mô hình định giá và chạy các kịch bản khác nhau, để so sánh tiềm năng tăng trưởng so với cả rủi ro có thể bị lỗ, sau khi đã biết giá trị của doanh nghiệp rồi thì sẽ tận dụng những biến động của thị trường để đầu tư.
Còn cách thứ hai đó là xây dựng một danh mục rất là đa dạng, chúng tôi lựa chọn những cổ phiếu đầu ngành nhưng sẽ ở nhiều ngành khác nhau và khi mà một yếu tố nào đó thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp này thì lại có lợi cho một doanh nghiệp khác ở trong danh mục và như vậy sẽ có thể giảm trừ ảnh hưởng.
Chúng tôi luôn luôn ở trong tâm thế là sẽ có những yếu tố chúng ta không thể lường trước được nên sẽ luôn luôn xây dựng một danh mục đa dạng để giảm thiểu rủi ro.
Và phương pháp thứ ba đó là định hướng đầu tư dài hạn thì quan trọng nhất là nhà đầu tư phải kiên nhẫn. Chúng tôi rất hạn chế giao dịch ngắn hạn. Ví dụ như là năm 2021, quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF tỷ lệ vòng quay danh mục chỉ là 29% thôi, tức là thời gian nắm giữ trung bình của cổ phiếu thì là khoảng 3,5 năm.
Với những phương pháp đầu tư như vậy, chúng tôi đã giảm thiểu được rất nhiều rủi ro khi thị trường biến động mạnh. Trong vòng 4 tháng năm 2022 khi thị trường giảm 9% thì hai quỹ cổ phiếu hàng đầu VCBF và quỹ đầu tư tăng trưởng VCBF vẫn tăng nhẹ. Hay là tính đến hết ngày 18/5 thị trường biến động rất nhiều, VN-Index giảm khoảng 19% nhưng mà cả hai quỹ thì cũng chỉ giảm trên dưới 6%, tức là còn thấp hơn so với mức giảm sàn của một cổ phiếu trong một phiên.