Để nâng cao chất lượng kinh tế trồng rừng, ngày 26/5, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn về chương trình trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC.
Lãnh đạo các sở, ban ngành, các địa phương và các doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị.
Là một trong những tỉnh có diện tích đất trồng rừng lớn của cả nước, trong những năm qua, mặc dù đã triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế trồng rừng, nhưng nhìn chung, hiệu quả kinh tế trồng rừng của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng, không đúng với tiềm năng của tỉnh về phát triển kinh tế trồng rừng.
Tại hội nghị, dựa vào các đặc điểm tự nhiên và thực trạng của hoạt động trồng rừng gỗ lớn, các đại biểu đã phân tích, thảo luận về các giải pháp để đưa giá trị kinh tế rừng trồng lên, qua đó khẳng định chất lượng gỗ của Việt Nam trên thị trường quốc tế, hướng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ ra nước ngoài, tăng thêm thu nhập cho người trồng.
Ông Nguyễn Đông, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư, Phát triển lâm nghiệp Quảng Nam cho rằng, nguyên nhân trồng rừng gỗ lớn tại Quảng Nam chưa phát triển là vì quản lý rừng hiện nay chủ yếu là quản lý theo nhóm hộ nên rất phức tạp, manh mún, khó tập trung. Do đó, cần sự chung tay của các cấp chính quyền và hội, đoàn thể với các doanh nghiệp trong việc quản lý rừng để tháo gỡ các phong tục, tập quán, thói quen của người dân qua việc tổ chức các buổi tập huấn về trồng, chăm sóc và khai thác rừng gỗ lớn cho người dân.
Đại diện công ty lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam cho rằng, thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn, công ty đã liên kết với các hộ dân, đảm bảo sẽ thu mua toàn bộ sản lượng rừng gỗ lớn của các hộ dân với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10 - 15%. Nhờ đó, công ty đã chủ động được nguồn nguyên liệu.
Tuy nhiên, hiện nay, đa số người dân đều chưa được hoàn thiện về quyền sử dụng đất, nên khi đầu tư trồng rừng gỗ lớn nếu gặp phải những trường hợp phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ gây thiệt hại cho người dân và công ty.
Do đó, chính quyền các cấp sớm cấp giấy chứng nhận những diện tích trồng rừng gỗ lớn cho các hộ dân để người dân và công ty yên tâm đầu tư sản xuất. Cùng đó, có bảo hiểm trồng rừng cho bà con, doanh nghiệp.
Đại diện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Thiện Hoàng cho rằng, để tạo điều kiện cho công ty phối hợp với các hộ dân trồng rừng gỗ lớn, chính quyền các cấp cần sớm cấp sổ đỏ diện tích đất trồng rừng cho các hộ dân, tạo ra liên kết trồng rừng bền vững, công ty đã ký hợp đồng với các hộ dân trồng rừng thu mua toàn bộ các bộ phận của cây keo: thân, lá, cành, gỗ không cần bóc vỏ để người dân có thêm thu nhập, tạo động lực cho người dân khi tham gia trồng rừng gỗ lớn (tăng khoảng 10 - 15 tấn/ha).
Đặc biệt, sau khi bán cây cho công ty, các hộ dân sẽ được công ty cung cấp cây giống chất lượng để tái trồng. Tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện để công ty xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại tỉnh Quảng Nam có công suất khoảng 100 nghìn tấn/năm...
Trước các kiến nghị của các doanh nghiệp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam khẳng định, trồng rừng gỗ lớn là phòng chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai và tăng thêm thu nhập cho người dân. Chính quyền các cấp, các sở, ban ngành phải phối hợp chặt chẽ, bố trí hợp lý vốn của Trung ương và của tỉnh, cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích trồng rừng gỗ lớn cho người dân hiểu, đẩy mạnh giải quyết các tồn tại, vướng mắc để người dân yên tâm trồng rừng gỗ lớn.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho rằng, để chương trình phát huy hiệu quả, cần sự chung tay của chính quyền, các sở, ban ngành các cấp; xác định các chủ thể tham gia trồng rừng gỗ lớn để có hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc...; xây dựng các vùng nguyên liệu và đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết (các địa phương và các hộ dân). Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền về lợi ích lâu dài của trồng rừng gỗ lớn để người dân hiểu.
Quang cảnh hội nghị ở đầu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Tỉnh Quảng Nam có 1.057.474 ha đất diện tích đất tự nhiên, tổng diện tích đất rừng và đất quy hoạch và phát triển rừng là hơn 769.379 ha; trong đó, có trên 680.249 ha đất có rừng gồm: 463.356,77 ha rừng tự nhiên, 156.379,93 ha rừng trồng đã thành rừng và 60.513,01 ha rừng trồng chưa thành rừng, 89.027,26 ha diện tích đất chưa có rừng.
Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 729.757 ha, gồm: rừng đặc dụng có diện tích 139.896 ha, chiếm 19,2% diện tích đất lâm nghiệp. Rừng phòng hộ có diện tích 315.812 ha, chiếm 43,3% diện tích đất lâm nghiệp. Rừng sản xuất có diện tích 274.049 ha, chiếm 37,5% diện tích đất lâm nghiệp.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, tỉnh đang phấn đấu đến năm 2030 có 45.000 ha rừng gỗ lớn. Vì vậy, các địa phương sớm cấp giấy chứng nhận lâm nghiệp cho người dân, các doanh nghiệp và các hợp tác xã phải chủ động nguồn cây giống cho người dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẩn trương đưa ra quy trình thâm canh rừng gỗ lớn. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của trồng rừng gỗ lớn, tổ chức các lớp tập huấn về trồng rừng thâm canh và cây dược liệu cho người dân. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam tập trung giải ngân trồng rừng gỗ lớn, xây dựng chương trình kiểm tra giám sát trồng rừng gỗ lớn tại các địa phương.