• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 6:20:32 SA - Mở cửa
[Cafe cuối tuần] Ta làm đường sắt đô thị kiểu gì vậy?
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 28/05/2022 6:15:12 CH
Vừa tạm nguôi đi cái chuyện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn kỷ lục, chậm tiến độ kỷ lục, và ơn giời, cuối cùng nó đã chạy, đã đi vào sử dụng, dù còn có những bất cập. Thì bây giờ lại gặp ngay câu chuyện về tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội!
 
Dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội được thành phố Hà Nội làm lễ khởi công vào tháng 9/2010. Tại thời điểm đó, dự án được công bố là sẽ hoàn thành vào năm 2016 với tổng mức đầu tư hơn 18.400 tỷ đổng.
 
Thế rồi theo thời gian, sau các lần điều chỉnh tổng mức đầu tư vào các năm 2016, 2017 và 2018, dự án có mức đầu tư tăng lên đến trên 30.000 tỷ đồng.
 
 
Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Trọng Hiếu
 
Đến nay, đã sau 6 năm đội vốn và vỡ tiến độ, với văn bản vừa được chủ đầu tư kiến nghị lên thành phố để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tổng mức đầu tư của dự án lại lên tới hơn 34.500 tỷ và thời gian dự kiến hoàn thành phải đợi đến tận năm... 2029, tức là chậm thêm 7 năm nữa.
 
Như vậy, so với ban đầu, dự án hiện nay đã đội vốn lên gần gấp đôi, chậm hoàn thành tới 13 năm. Mà đã chắc gì trong vòng 7 năm nữa, dự án này không còn đội vốn và tiếp tục vỡ tiến độ?
 
Thông tin này đã khiến cho rất nhiều người dân Thủ đô cực kỳ thất vọng. Đặc biệt, hiện trạng dự án này đang bày ra rất ngổn ngang trên một tuyến đường huyết mạch nối từ trung tâm ra ngoại vi TP. Hà Nội.
 
Đã nản vì tuyến Cát Linh - Hà Đông, dài hơn 13 km, đội vốn hơn 2,5 lần (8770 tỷ thành 22.500 tỷ), với 8 lần vỡ tiến độ, từ dự kiến làm trong 4 năm (2011 đến 2015), kéo dài thành 10 năm, đến cuối năm 2021 mới đưa vào sử dụng, thì tuyến Nhổn - ga Hà Nội, còn đáng nản hơn. Tuyến đường này có chiều dài 12,5 km, trong đó có 8,5 km đi nổi và 4 km đi ngầm. Con số đội vốn thì nay đã xấp xỉ gần gấp đôi, tiến độ thì từ 6 năm, nay "hứa hẹn" sẽ thành 20 năm hoặc lâu hơn nữa.
 
Tất nhiên, trong các loại lý giải của chủ đầu tư thì lý giải nào cũng "đầy sức thuyết phục" cả, từ việc bắt buộc phải tăng vốn đầu tư cho đến những lý do khách quan phải kéo dài tiến độ... Không còn ai nhớ tới những luận lý cũng "đầy sức thuyết phục" trước đây, cũng không thấy những yếu kém, tầm nhìn và dự báo hạn hẹp hồi xây dựng dự án và lúc khởi công cả.
 
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 9 tuyến đường sắt đô thị. Hai tuyến đường sắt đang nêu ở trên, thì tuyến Nhổn - ga Hà Nội là tuyến số 3. Tuyến số 2 bắt đầu từ Sân bay Nội Bài - Nam Thăng Long - Nguyễn Văn Huyên (kéo dài) - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thuỵ Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng đến Trần Hưng Đạo. Tuyến Cát Linh - Hà Đông được gọi là tuyến 2A.
 
Tiếp đó là các tuyến số 4, 5, 6,7, 8. Không cần liệt kê ra ở đây, chỉ cần biết là rất đủ đầy và tất cả 9 tuyến này kết nối lại thì sẽ thành một mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội hoành tráng với tổng cộng là 318 km. Lộ trình hoàn thiện toàn bộ mạng lưới này là tầm nhìn đến năm 2050.
 
Trước mắt, tuyến đường sắt đô thị số 1 gồm hai nhánh Ngọc Hồi - ga Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên và Gia Lâm - Dương Xá (Phú Thụy) sẽ được khởi công. Tuyến này có đoạn đi trên cao, kết hợp giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia, chiều dài khoảng 36km. Tổng mức đầu tư khoảng 44.000 tỷ đồng, với dự kiến ban đầu là sẽ hoàn thành vào năm 2030...
 
Với viễn cảnh này, thì đúng là vừa rất vui, lại vừa cực... lo. Vui vì nếu hiện thực hóa được quy hoạch này thì giao thông đô thị Hà Nội sẽ thênh thang và hiện đại trong vài mươi năm nữa. Nhưng cực lo vì chả biết ta sẽ làm đường sắt đô thị theo kiểu gì với cái cách như đang mở đầu ở hai dự án Cát Linh - Hà Đông vừa xong, lại bùng nhùng ở dự án Nhổn - ga Hà Nội?
 
Cứ kiểu như thế này thì quy hoạch là để cho có hy vọng thôi, chứ hiện thực hóa, thì phải đợi đến... mấy đời sau.
 
Vì thế, muốn chấn chỉnh, thì phải rút ra ngay những bài học xương máu. Phải "đại phẫu" đến nơi đến chốn hai dự án nói trên. Với dự án Nhổn - ga Hà Nội đang bùng nhùng hiện nay, càng phải riết róng hơn nữa. Phải có những cá nhân và tập thể chịu trách nhiệm về những bùng nhùng, phải rõ ràng minh bạch trước khi tính đến bước đi tiếp theo nhằm hoàn thành dự án này và để có kinh nghiệm mà định hình cách thức thực hiện có hiệu quả những dự án tiếp theo trong tương lai hiện đại hóa giao thông đô thị ở Hà Nội cũng như ở các đô thị lớn trong cả nước.