Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy Hải sản Minh Phú (Mã :MPC) mới đây cho biết công ty đặt mục tiêu năm 2024 sẽ chiếm 25% thị phần tôm thế giới.
Mục tiêu này được Thủy sản Minh Phú thực hiện thông qua các chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đặc biệt là chiến lược 5 năm 2021 - 2025 mới nhất với nội dung chính như xây dựng chuỗi giá trị tôm Việt Nam xanh, sạch, bền vững có giá thành cạnh tranh so với Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Nâng cao năng suất chế biến và giảm giá vốn hàng bán.
Hải sản Minh Phú đặt tham vọng chiếm 25% thị phần tôm thế giới năm 2024. Ảnh: Internet
Theo kế hoạch, Minh Phú sẽ khởi công và đẩy nhanh xây dựng chuỗi dự án nhà máy chế biến thủy sản Minh Phú tại Khu công nghiệp Khánh An (Cà Mau), nhằm hướng mục tiêu cạnh tranh về công nghệ chế biến tôm, xuất khẩu tôm trên thị trường thế giới, bao gồm: Chuỗi dự án được xây dựng bao gồm hệ thống xử lý nước tập trung 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn với công suất xử lý 2.700 m3/ngày đêm và có diện tích 24,5 ha. Tất cả các dự án đều ứng dụng công nghệ tái sử dụng nước thải, xử lý nước mưa và nước mặt cho chế biến tôm xuất khẩu.
Quy mô chuỗi dự án bao gồm 4 dự án: Nhà máy chế biến Thủy sản Minh Phát, Nhà máy chế biến Thủy sản Minh Quí, Nhà máy chế biến Thủy sản Minh Phú, cùng có công suất 18.000 tấn/năm; Nhà máy bao bì Quang Minh, công suất 5.000 tấn/năm. Dự án được triển khai theo kinh tế tuần hoàn và cân bằng carbon trong cả chuỗi giá trị tôm Minh Phú.
Song song đó, Minh Phú cũng đã và đang phối hợp với Vụ Khoa Học và Công Nghệ của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng các Viện nghiên cứu thủy sản để tập trung gia hóa tôm sú giống kháng bệnh và thích nghi, năng suất cao tăng thị phần tôm sú từ 20% hiện nay lên 50% và cao hơn nữa.
Trong năm 2022, công ty đặt mục tiêu sản lượng 71.880 tấn, doanh thu đạt hơn 21.000 tỷ đồng (tăng 50% so với thực hiện 2021) và lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.300 tỷ đồng (tăng gấp đôi với năm ngoái).
Ngoài ra, trong năm nay, Minh Phú tiếp tục chiến lược đa dạng hóa thị trường tiêu thụ tôm. Duy trì, bám trụ thị trường chính như Mỹ, tăng kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường EU nhằm tận dụng hiệp định EVFTA và UKVFTA.
Báo lãi quý I/2022 gấp 3,4 lần so với cùng kỳ
Quý I/2022, Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.239 tỷ đồng tăng 50,8%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 8,8% lên 11,6%.
Giá vốn bán hàng tăng 46% lên 3.747 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên 491,8 tỷ đồng. Doanh thu tài chính trong kỳ giảm 36,8% xuống 19,2 tỷ, trong khi đó chi phí tài chình lại tăng vọt 24,4% lên 32 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng tăng tới 80% lên 314,7 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 32,7% lên 66,1 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2022, Thủy sản Minh Phú báo lãi sau thuế đạt 91,2 tỷ đồng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến ngày 31/3/2022, tổng tài sản của Thủy sản Minh Phú đạt 9.647 tỷ đồng tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó phần lớn là tài sản ngắn hạn đạt 7.100 tỷ đồng (chiếm 73,6%). Hàng tồn kho giảm 12% còn 3.924 tỷ đồng. Tài sản dài hạn tăng 7% lên 2.547 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng nhẹ từ 4.067 tỷ đồng lên 4.081 tỷ đồng.
Theo báo cáo thường niên, Minh Phú đề ra kế hoạch doanh thu 21.018 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.287 tỷ đồng; lần lượt tăng 55% và 96% so với thực hiện 2021. Nếu kế hoạch này được giữ nguyên trình ĐHĐCĐ thì Minh Phú mới thực hiện được 20% mục tiêu doanh thu và 7% mục tiêu lợi nhuận.
Công ty cho biết sẽ tiếp tục đánh giá xu thế biến động giá nguyên vật liệu chính có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Minh Phú, cụ thể là diễn biến giá tôm nguyên liệu, tôm thành phẩm trên thế giới.
Bên cạnh đó, Thủy sản Minh Phú tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án Khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị tôm với quy mô 10 nghìn hecta tại Kiên Giang. Từ đó gia tăng giá trị sản phẩm tôm Minh Phú.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên ngày 30/5, cổ phiếu
MPC giảm 300 đồng về mức 40.900 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh 51.805 đơn vị.