Đó là 1 trong 10 giải pháp TS. Cấn Văn Lực đề xuất đến Chính phủ để cải thiện tính bền vững của thị trường tài chính Việt Nam, góp sức phát triển nền kinh tế năm 2022 và xa hơn.
Nghiên cứu 3 yếu tố là vốn, lao động, TFP trong 11 năm qua (từ 2011 đến nay), TS. Cấn Văn Lực cho biết, vốn chiếm khoảng 50% tăng trưởng kinh tế. Theo đó, đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Yếu tố vốn chiếm khoảng 50% tăng trưởng kinh tế
TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội nghị phát triển thị trường vốn do Chính phủ tổ chức cuối tháng 4/2022
Tại “Diễn đàn dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính”, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia sẽ chia sẻ tham luận về Vai trò của nhân tố vốn trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2011-2021; dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022-2023 nhìn từ quyết tâm khắc phục các vấn đề tồn tại để phát triển thị trường vốn minh bạch, bền vững của Chính phủ.
Sự kiện được tổ chức vào 8h sáng ngày 12/5/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 35 Hùng Vương, Hà Nội. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ điều phối thảo luận tại Diễn đàn.
Tháng 4/2022, TTCK Việt Nam chứng kiến những biến động rất lớn khi VN-Index từ mức đỉnh 1524,7 điểm vào ngày 4/4, đã giảm mạnh xuống 1.310,9 điểm (giảm 12,1% so với đầu tháng, giảm 12,5% so với đầu năm), thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2021. Biến động xảy ra do tâm lý nhà đầu tư tiêu cực sau khi một số lãnh đạo tập đoàn lớn vướng vòng lao lý. Cùng với đó thị trường tài chính toàn cầu điều chỉnh do lạm phát gia tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng và áp lực giải chấp “margin” lớn đã ảnh hướng xấu đến thị trường, bao gồm cả những cổ phiếu có cơ bản tốt.
Trong tháng 4, giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm 12,0% so với tháng trước (+22,2% so với cùng kỳ) xuống 27.957 tỷ đồng (HOSE: 23.701 tỷ đồng/ngày giao dịch, -9,0% so với đầu tháng; HNX: 2.694 tỷ đồng/ngày giao dịch, -28,1% so với đầu tháng). Diễn biến trồi sụt mạnh của TTCK Việt Nam là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển thị trường vốn vào cuối tháng 4/2022, nhằm tìm giải pháp phát triển thị trường an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, góp sức ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tại Hội nghị, TS. Cấn Văn Lực đánh giá thị trường vốn có 6 vai trò chủ yếu. Thứ nhất, đó là kênh huy động, phân bổ vốn trung, dài hạn cho Chính phủ, doanh nghiệp. Thứ hai, giúp phát triển lành mạnh, cân đối hệ thống tài chính, giảm áp lực cho vay trung dài hạn đối với các ngân hàng. Thứ ba, đa dạng hóa kênh đầu tư cho Chính phủ, người dân và doanh nghiệp, đa dạng hóa nền tảng nhà đầu tư và sản phẩm tài chính trong nước và quốc tế, qua đó giúp phát triển hệ thống tài chính. Thứ tư, huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, tổ chức và doanh nghiệp cả trong và ngoài nước phục vụ cân đối ngân sách, sản xuất kinh doanh, giúp giảm hiện tượng vàng hóa, đô la hóa, tệ nạn tín dụng đen trong nền kinh tế. Thứ năm, cung cấp công cụ để phân tán rủi ro, nhưng cũng có thể khuếch đại rủi ro nếu không kiểm soát tốt. Thứ 6, giúp tăng trưởng ổn định và phát triển kinh tế xã hội.
Đánh giá về đặc điểm của hệ thống tài chính của Việt Nam, ông Cấn Văn Lực cho rằng, có các đặc điểm rất quan trọng để nhận diện các rủi ro cũng như cơ hội.
Một là, tính liên thông của 4 thị trường tại Việt Nam bao gồm: Thị trường ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm và thị trường bất động sản. Bốn thị trường liên thông với nhau. Hệ thống ngân hàng cho vay bất động sản, nhận thế chấp bằng bất động sản, doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 17% vốn hóa thị trường chứng khoán của Việt Nam.
Đặc điểm thứ hai là thị trường vẫn còn khá non trẻ. Thị trường cổ phiếu 22 năm, thị trường trái phiếu 16 năm. Chính vì vậy nó phát triển tương đối nhanh về quy mô tốc độ. Trong 11 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng tài chính bao gồm ngân hàng chứng khoán bảo hiểm là 14%/ năm, gấp 2,5 lần so với mức phát triển kinh tế hàng năm. Trong đó, thị trường ngân hàng 11%/năm, thị trường cổ phiếu 27%/năm, thị trường trái phiếu 12%/năm, thị trường bảo hiểm 17%/năm.
Đặc điểm thứ ba là quy mô hệ thống tài chính rất lớn mạnh. Theo tính toán, tổng tài sản ngân hàng là một, vốn hóa thị trường cổ phiếu là hai, dư nợ thị trường trái phiếu là ba nếu tính theo quy định quốc tế thì tương đương 300% GDP. Trong đó tổng tài sản hệ thống ngân hàng hiện nay chiếm 57,2% quy mô hệ thống tài chính. Vốn hóa thị trường cổ phiếu chiếm 28,4%, thị trường trái phiếu 13,6%, thị trường bảo hiểm 1%.
Đặc điểm thứ tư là về khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm tương đương 33 -34% GDP thì vốn tín dụng chiếm 47%, huy động vốn từ trái phiếu 21,5%, thị trường cổ phiếu thông qua ITO, phát hành trái phiếu 3,2%. Như vậy cả thị trường vốn hiện nay chiếm 25% tổng nguồn vốn tung ra nền kinh tế. Giải ngân đầu tư công là 13,5%, FDI là 15%.
Đặc điểm thứ năm là sáng tạo tài chính, dịch vụ tài chính số, ngân hàng số. Và thứ sáu là đặc điểm về tài chính xanh, ngân hàng xanh, tiền kỹ thuật số, thanh toán không tiền mặt là xu hướng tất yếu. Dựa trên những đặc điểm này, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị 10 giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Thứ nhất về cách tiếp cận, cần coi những vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua (các sai phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu của một số doanh nghiệp) như là cơ hội để lành mạnh thị trường. Các nước khác cũng xảy ra tình trạng tương tự như vậy khi thị trường còn non trẻ. Và đặc biệt, trong bối cảnh thị trường phát triển nhanh thì khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện.
Thứ hai, cần sớm giải quyết những vụ việc trên thị trường vừa qua, vừa khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư, qua đó củng cố niềm tin vào thị trường.
Thứ ba, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, quy chế quản lý thị trường, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư theo thông lệ, có chế tài mạnh hơn; song vẫn tạo điều kiện sáng tạo tài chính, tài chính xanh phát triển.
Thứ tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng tài chính của chúng ta, lưu ý thị trường thứ cấp tập trung, các công ty định hạng tín nhiệm (nên có nhiều hơn 2 công ty xếp hạng tín nhiệm); đặc biệt chú trọng cơ sở thông tin dữ liệu, hệ thống giao dịc chứng khoán tiên tiến…
Thứ năm, phát triển đa dạng hóa sản phẩm, nền tảng nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong đó chú trọng các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân đủ năng lực, nâng cao vai trò trách nhiệm của các trung gian tài chính.
Thứ sáu, cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân, giảm thiểu hiện tượng 4D (điều chỉnh, đầu cơ, đòn bẩy tài chính) bằng cách tăng cường giáo dịch tài chính, chuẩn hóa tiêu chí chuyên nghiệp. Kiến nghị Chính phủ sớm có chương trình quốc gia về giáo dục tài chính. Cái này các nước làm rất bài bản, rất tốt.
Thứ bảy, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ như là 1 chuẩn mực định giá.
Thứ tám, tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, chứ không phải chỉ là hành chính. "Đây là quan điểm rất quan trọng, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là: Chúng ta không hình sự hóa nhưng phải nghiêm, đúng chỗ và đúng lúc".
Thứ chín, chú trọng truyền thông bài bản, kịp thời, liên tục và phù hợp.
Thứ mười, kiên định, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn; kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính chính là củng cố niềm tin, thu hút đầu tư và tạo điều kiện thị trường vốn phát triển.
Khơi thông nguồn lực để kinh tế Việt Nam theo kịch bản tích cực nhất
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân, giảm thiểu hiện tượng điều chỉnh, đầu cơ, đòn bẩy tài chính để thị trường vốn góp sức tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế
Liên quan đến nền kinh tế vĩ mô, giữa tháng 4/2022, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố 3 kịch bản tăng trưởng GDP của năm. Theo đó, với kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP vẫn có thể đạt khoảng 6-6,5% nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng, chống dịch, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 và giảm thiểu rủi ro, tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraina. Ở kịch bản trung bình, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%; và ở kịch bản tiêu cực, tăng trưởng có thể chỉ đạt 4,5-5%.
Để nền kinh tế diễn biến theo kịch bản tích cực nhất, TS. Cấn Văn Lực và các cộng sự đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp chính, trong đó có khuyến nghị cần kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát và phối hợp chính sách hiệu quả, nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm: (i) thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH, (ii) quản lý tốt giá xăng dầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ khác nhằm kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu 4%; (iii) Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, hệ thống chia sẻ thông tin phục vụ hiệu quả phối hợp chính sách và kiểm soát rủi ro phát sinh. Cùng với đó, cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế; xây dựng hành lang pháp lý cho việc quản lý, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội và chính quyền số; tiếp tục háo gỡ các rào cản, điểm nghẽn là rất cần thiết nhằm huy động và giải phóng nguồn lực, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, đất đai, xây dựng, thủ tục xuất nhập khẩu, giải thể doanh nghiệp…
Các nước xây Chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính như thế nào?
Theo một nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng, giáo dục tài chính là một vấn đề không mới trên thế giới, nó đã thu hút được sự quan tâm của chính phủ nhiều nước và sự tham gia của các tổ chức quốc tế như OECD và World Bank. Đặc biệt, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 xuất phát từ những nhận thức không đầy đủ về rủi ro của các khoản vay thế chấp dưới chuẩn và các chứng khoán được đảm bảo bởi các khoản vay này, vấn đề hiểu biết tài chính trong cộng đồng càng trở nên quan trọng và nhiều quốc gia đã đưa giáo dục tài chính lên thành các chiến lược quốc gia.
Mỗi quốc gia sẽ có những cách tiếp cận khác nhau khi tiến tới xây dựng một chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính. Ở nhiều quốc gia, chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính là một bộ phận của một chương trình tổng thể, bắt nguồn từ những thay đổi về cấu trúc của các thị trường tài chính hay những biến đổi về kinh tế, xã hội và dân số. Ở một số nước khác, chiến lược giáo dục tài chính quốc gia được coi là một trụ cột của quá trình nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến nay, hệ thống tài chính và đặc biệt là hệ thống ngân hàng, chứng khoán tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Do vậy, một chương trình giáo dục tài chính là tối cần thiết vừa góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của chính các ngân hàng, tổ chức tài chính trung gian, đồng thời trang bị/cung cấp những kiến thức tài chính cơ bản cho dân cư và các tổ chức, phục vụ cho việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân Việt Nam và phát triển thị trường vốn bền vững.