• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.234,43 +6,33/+0,52%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 2:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.234,43   +6,33/+0,52%  |   HNX-INDEX   221,65   +0,36/+0,16%  |   UPCOM-INDEX   91,60   -0,10/-0,11%  |   VN30   1.290,56   +4,49/+0,35%  |   HNX30   470,53   +2,56/+0,55%
25 Tháng Mười Một 2024 2:13:09 CH - Mở cửa
Dow Jones “bay” hơn 1.000 điểm, Nasdaq sụt 5%, dầu vững giá, Bitcoin lao dốc
Nguồn tin: Vneconomy | 06/05/2022 8:35:02 SA
Chứng khoán Mỹ chứng kiến sự đảo ngược gây sửng sốt, đánh dấu một trong những ngày tệ hại nhất của giới đầu tư ở Phố Wall kể từ năm 2020...

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (5/5), xoá sạch thành quả tăng của phiên trước đó, trong một sự đảo ngược gây sửng sốt và đánh dấu một trong những ngày tệ hại nhất của giới đầu tư ở Phố Wall kể từ năm 2020. Giá dầu vững ở vùng 110 USD/thùng dù đồng USD mạnh, trong khi tiền ảo Bitcoin bị bán tháo và giảm giá sâu khỏi ngưỡng 40.000 USD.
 
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 1.063 điểm, tương đương giảm 3,12%, còn 32.997,97 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 4,99%, còn 12.317,69 điểm - mức chốt phiên thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Đây là phiên giảm mạnh nhất của cả Dow Jones và Nasdaq kể từ năm 2020.
 
 
Ảnh minh hoạ - Ảnh: USA Today.
 
Chỉ số S&P 500 mất 3,56%, còn 4.146,87 điểm, hoàn tất phiên giảm mạnh thứ nhì kể từ đầu năm.
 
Phiên “đỏ lửa” này của chứng khoán Mỹ diễn ra sau khi thị trường tăng mạnh trong phiên ngày thứ Tư – khi Dow Jones tăng hơn 2,8% và S&P 500 nhảy gần 3%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2020. Nasdaq cũng tăng gần 3,2% trong phiên ngày thứ Tư.
 
Trước buổi trưa ngày thứ Năm, thành quả tăng của phiên trước đã bị xoá sạch.
 

 
Diễn biến chỉ số Dow Jones trong hai phiên ngày 4-5/5 - Nguồn: CNBC.
 
“Nếu thị trường tăng 3% trong một phiên và giảm nửa phần trăm trong phiên sau đó, thì đó là chuyện bình thường… Nhưng tăng như ngày hôm qua rồi đảo ngược 100% chỉ trong có nửa ngày sau đó thì đúng là hiếm gặp”, Giám đốc giao dịch Randy Frederick của Schwab Center for Financial Research nhận định.
 
Cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn chịu áp lực bán đặc biệt lớn trong phiên này. Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, và hãng bán lẻ trực tuyến Amazon giảm tương ứng 6,8% và 7,6%. Microsoft sụt khoảng 4,4%. Salesforce mất 7,1% giá trị, trong khi Apple tụt gần 5,6%.
 
Các cổ phiếu thương mại điện tử thậm chí còn mất giá sâu hơn, sau khi một số công ty trong lĩnh vực này đưa ra kết quả kinh doanh gây thất vọng. Etsy và eBay giảm tương ứng 16,8% và 11,7%. Shopify “bốc hơi” gần 15%.
 
Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ cũng có một cú đảo ngược chóng mặt sau phiên tăng ngày thứ Tư. Do giá trái phiếu giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lại nhảy qua ngưỡng 3%, lên mức cao nhất kể từ năm 2018. Lãi suất tăng đặt ra sức ép bán tháo đối với những cổ phiếu tăng trưởng như cổ phiếu công nghệ.
 
Hôm thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm và tuyên bố sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng 6. Những động thái này đều không nằm ngoài dự báo. Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng Fed hiện chưa tính đến khả năng tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm. Phát biểu đó của ông Powell đã giúp thị trường yên tâm và giá cổ phiếu tăng mạnh.
 
Tuy nhiên, ông Zachary Hill, trưởng bộ phận chiến lược của Horizon Investments, Fed vẫn để ngỏ khả năng nâng lãi suất vượt mức trung tính (neutral - mức lãi suất không có tác dụng kích thích tăng trưởng hay gây cản trở tăng trưởng) để kiểm soát lạm phát.
 
“Cho dù các điều kiện tài chính đã thắt lại trong mấy tháng vừa qua, rõ ràng Fed muốn thắt chặt hơn nữa”, ông Hill nói. “Định giá cổ phiếu cao hơn không phù hợp với kỳ vọng lãi suất như thế. Bởi vậy, trừ phi các nút thắt trong chuỗi cung ứng được giải toả nhanh chóng hoặc người lao động quay trở lại tìm việc làm, bất kỳ sự tăng điểm nào của thị trường cũng có thể chỉ là một hình thức ‘câu giờ’ trước khi thông điệp chính sách từ Fed lại trở nên cứng rắn hơn”.
 
 
Những phiên giảm mạnh nhất của chỉ số Nasdaq kể từ tháng 3/2020 - Nguồn: CNBC.
 
Những cổ phiếu có mức độ ràng buộc cao với tăng trưởng kinh tế không nằm ngoài xu hướng bán tháo của thị trường trong phiên này. Caterpillar sụt gần 3%; JPMorgan Chase trượt 2,5%; và Home Depot giảm trên 5%.
 
Nhà đồng sáng lập David Rubenstein của Carlyle Group nói rằng nhà đầu tư cần “trở lại với thực tế” về những trở ngại đối với thị trường và với nền kinh tế - bao gồm chiến tranh ở Ukraine và lạm phát cao.
 
“Chúng tôi đang dự báo Fed nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong hai cuộc họp tới. Bởi vậy, mọi thứ sẽ siết lại một chút. Tôi không nghĩ là chính sách sẽ thắt chặt đến mức nền kinh tế sụt tốc… nhưng vẫn phải thừa nhận rằng đang có những thách thực kinh tế rất thực ở Mỹ”, ông Rubestein nói với hãng tin CNBC.
 
Trong phiên bán tháo ngày thứ Năm, hơn 90% số cổ phiếu trong S&P 500 giảm giá. Ngay cả những “ngôi sao” của năm nay cũng mất giá trong phiên này, như Chevron, Coca-Cola và Duke Energy cùng giảm gần 1% mỗi cổ phiếu.
 
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,76 USD/thùng, chốt ở 110,9 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,45 USD/thùng, đạt 108,26 USD/thùng.
 
Dầu thô tăng giá dù chịu áp lực giảm mạnh từ sự tăng giá của USD - đồng tiền đang hưởng lợi từ chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh, sau khi giảm mạnh trong phiên ngày thứ Tư, đã tăng mạnh trở lại trong phiên ngày thứ Năm, đạt mức cao nhất 20 năm.
 
Nhưng mặt khác, giá dầu đang được hỗ trợ bởi đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) về cắt giảm dần tiến tới cấm vận dầu Nga từ cuối năm nay. Đề xuất này đang chờ sự phê chuẩn của 27 quốc gia thành viên trong khối. Giới đầu tư cho rằng nếu EU cấm vận dầu Nga, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ càng trở nên eo hẹp hơn. Trước khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine, châu Âu mỗi ngày nhập khẩu 3-3,5 triệu thùng dầu từ Nga.
 
“Thị trường dầu vẫn chưa phản ánh hết khả năng châu Âu cấm vận dầu Nga. Vì vậy, giá dầu có thể tiếp tục lên cao hơn trong những tháng mùa hè, nhất là khi đề xuất cấm vận dầu Nga được phê chuẩn”, ông Bjornar Tonhaugen - trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu của Rystad Energy - nhận định.
 
Phớt lờ lời kêu gọi của các nước phương Tây về tăng sản lượng mạnh hơn, OPEC+ ngày 5/5 quyết định giữ nguyên tiến độ tăng sản lượng 432.000 thùng/ngày mỗi tháng. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
 
Trên thị trường tiền ảo, các diễn biến đang theo sát biến động của chứng khoán Mỹ.
 
Sau khi tái lập ngưỡng chủ chốt 40.000 USD trong phiên ngày thứ Tư, khi chứng khoán Mỹ tăng mạnh, giá Bitcoin lại rơi sâu trong phiên ngày thứ Năm, khi giá cổ phiếu ở Phố Wall sụt giảm.
 
Lúc gần 8h sáng nay (6/4) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com là 36.467 USD, giảm hơn 8% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.