Moody’s mới đây đã công bố nâng mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) từ B2 lên B1 cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB) trong kỳ đánh giá xếp hạng năm 2022, tiếp tục giữ xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của SeABank ở mức B1 năm thứ 4 liên tiếp với triển vọng phát triển tích cực.
Mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của Moody’s là một trong những yếu tố quan trọng phản ánh sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. SeABank được Moody’s nâng mức đánh giá BCA lên B1, đồng thời giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn ở mức B1 năm thứ 4 liên tiếp với đánh giá triển vọng phát triển tích cực.
Theo công bố của Moody’s cho biết, việc nâng xếp hạng đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) của SeABank lên B1 phản ánh sự cải thiện rõ rệt của ngân hàng về chất lượng tài sản, khả năng sinh lời và nguồn vốn. Chất lượng tài sản tại SeABank được cải thiện khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 1,9% (năm 2020) xuống 1,6% vào cuối năm 2021, bất chấp sự gián đoạn do đại dịch gây ra.
Khả năng sinh lời được ghi nhận cải thiện và Moody's kỳ vọng tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) của SeABank sẽ duy trì ổn định ở mức khoảng 1% trong 12 - 18 tháng tới khi danh mục cho vay gồm các khoản cho vay bán lẻ và cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.
Moody’s nâng mức đánh giá tín dụng cơ sở của Seabank lên B1
SeABank cho biết uy tín và hoạt động hiệu quả của ngân hàng được thể hiện qua việc hợp tác với nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới.
Điển hình trong số đó là việc Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) một thành viên thuộc Ngân hàng thế giới (World Bank), đã tài trợ 150 triệu USD cho SeABank để mở rộng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đồng thời thúc đẩy tài trợ các dự án khí hậu vào tháng 6/2021. Sau 6 tháng hợp tác, IFC và 5 tổ chức cho vay quốc tế Banque Internationale de Commerce-BRED, BlueOrchard Microfinance Fund, KASIKORNBANK PCL, Quỹ OPEC cho phát triển quốc tế (OPEC Fund) và responsAbility Investments AG đã mở rộng gói tín dụng cấp cho SeABank từ 150 triệu USD lên 220 triệu USD.
Cũng trong năm 2021, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã quyết định nâng hạn mức tín dụng cho SeABank lên 30 triệu USD sau 8 tháng ký kết hợp tác.
Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này hơn 3.268 tỷ đồng (tăng 89% so với 2020 và hoàn thành 135% kế hoạch); tổng tài sản đạt hơn 211.663 tỷ đồng, tăng 18% so với 2020.
Tổng thu thuần ngoài lãi (NoII) năm 2021 của SeABank đạt 1.850 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,3% trên tổng doanh thu. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) lần lượt là 1,33% và 16,12%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,65%.
Kết thúc quý I/2022, kết quả kinh doanh của SeABank được duy trì ở mức tăng trưởng bền vững. Cụ thể, tổng tài sản đạt 231.222 tỷ đồng, tăng 19.558 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.306 tỷ đồng, tăng 87,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu thuần đạt hơn 2.322 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 61,3%. Thu thuần từ dịch vụ đạt 274 tỷ đồng, tăng 122,65% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, thu thuần ngoài lãi (NOII) ghi nhận 126,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 758 tỷ đồng.
Đặc biệt, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) tiếp tục giảm mạnh xuống mức 28,32%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) duy trì ổn định ở mức 1,64%.
Cũng trong quý I/2022, SeABank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 16.598 tỷ đồng và tiếp tục được ĐHCĐ thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng trong năm 2022 nhằm nâng cao năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.
SeABank được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bình chọn là “Ngân hàng vì cộng đồng tiêu biểu 2021” và “Ngân hàng có sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo tiêu biểu 2021”, được The Banker (Anh) bình chọn là “Ngân hàng của năm 2021 – Bank of the Year Vietnam 2021” và xếp hạng “Top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam 2022” (Vietnam Report).