Bộ Công Thương vừa cho biết nguyên nhân của kết quả xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD, trong khi con số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 là ước nhập siêu khoảng 2 tỷ USD.
Trả lời Công văn của Bộ KH&ĐT về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình triển khai kế hoạch năm 2022, Bộ Công Thương đã rà soát và cập nhật thông tin về số liệu liên quan đến xuất siêu 4 tỷ USD trong năm 2021.
Năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa đạt xuất siêu 4,08 tỷ USD.
Bộ Công Thương cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Bộ Công Thương đưa ra dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2021 cùng với dự báo nhập siêu khoảng 2 tỷ USD dựa trên số liệu thực hiện 3 quý đầu năm 2021 và đánh giá, dự báo tình hình các tháng cuối năm 2021.
Theo số liệu sơ bộ do Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 240,6 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, nhập khẩu tăng cao hơn so với xuất khẩu với kim ngạch đạt gần 243,2 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Tính đến hết quý III, cán cân thương mại đang ở trạng thái nhập siêu, với mức nhập siêu gần 2,6 tỷ USD.
Thời điểm đầu quý III/2021, còn nhiều yếu tố dự báo khó khăn cho xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng còn lại của năm 2021. Ở trong nước, hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào diễn biến dịch COVID-19. Nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn có thể bị ảnh hưởng bởi đứt gãy nguồn cung cho sản xuất, có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành các đơn hàng; vấn đề lao động cũng là khó khăn có thể xảy ra cục bộ do dịch COVID-19. Ở phía Bắc, nguy cơ dịch COVID-19 có thể lan rộng trong cuối năm ảnh hưởng tới nguồn cung hàng hoá xuất khẩu.
Trên thế giới, thương mại toàn cầu phục hồi so với năm 2020 nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch COVID-19 và tốc độ tiêm vắc xin; xung đột thương mại giữa các nước lớn vẫn chưa được xử lý dứt điểm, tác động khó lường đến xuất nhập khẩu của Việt Nam; các biện pháp bảo hộ xuất hiện ngày càng nhiều; giá hàng hóa, nhất là các nguyên liệu cơ bản tăng mạnh, tác động mạnh lên trị giá hàng hoá nhập khẩu.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá xuất khẩu những tháng cuối năm 2021 đạt kết quả rất tích cực so với dự báo nhờ những quyết sách đúng đắn của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin và mở cửa nền kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được coi là cú hích cho sản xuất, xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Trước những bước tiến nhanh trong công tác tiêm chủng, các rào cản được tháo gỡ nên từ tháng 10, xuất khẩu liên tục tăng mạnh, tháng sau cao hơn nhiều so với tháng trước. Xuất khẩu tháng 10 đạt gần 29 tỷ USD; tháng 11 đạt 31,9 tỷ USD.
"Xuất khẩu đạt mức cao nhất ghi nhận trong một tháng vào tháng 12 với kim ngạch đạt 34,6 tỷ USD. Xuất khẩu tăng mạnh, cao hơn nhiều so với nhập khẩu trong quý IV giúp cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu 2,55 tỷ USD thời điểm cuối quý III sang xuất siêu hơn 4 tỷ USD thời điểm cuối năm", Bộ Công Thương đánh giá.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 về đích với con số kỷ lục 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu hàng hóa đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5%.