Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm nay (17/6) đã quyết định giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ.
Quyết định này cho thấy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn sẽ kiên trì với mục tiêu duy trì đồng Yen yếu và ổn định lạm phát, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại sau giai đoạn trì trệ bởi dịch COVID- 19.
Kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài 2 ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã quyết định sẽ giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%, đồng thời tiếp tục chương trình duy trì lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.
Đây là động thái cho thấy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, duy trì đồng Yen yếu, hoàn toàn đi ngược với chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước khác.
Quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản được đưa ra khi lạm phát tại Nhật Bản đã vượt ngưỡng 2%. Tuy nhiên, theo ngân hàng này, xu hướng lạm phát trên chủ yếu là do giá cả năng lượng và nguyên vật liệu tăng nhanh. Nguyên nhân chính là do sự phục hồi của nhu cầu toàn cầu và xung đột quân sự Nga - Ukraine.
Nhật Bản không thể ngăn chặn xu thế lạm phát này bằng chính sách nội địa. Do đó, chính sách nới lỏng tiền tệ là cần thiết nhằm hướng tới mục tiêu duy trì lạm phát ổn định trên cơ sở tăng lương, qua đó củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, BOJ nên duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2%. Để làm được điều này, Chính phủ cần hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động trong nước, chủ động mở rộng đầu tư cho các lĩnh vực, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.