Chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống trong chiều 29/6, khi lo ngại về một cuộc suy thoái theo sau các đợt tăng lãi suất mạnh đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.
Chứng khoán châu Á giảm điểm do hoạt động bán tháo trong chiều 29/6. Ảnh minh họa: TTXVN
Chứng khoán Hong Kong dẫn đầu làn sóng giảm điểm trên thị trường châu Á trong phiên này, với chỉ số Hang Seng giảm 1,88% (tương đương 422,08 điểm) xuống 21.996,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng giảm 1,40% (47,69 điểm) xuống 3.361,52 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản dứt chuỗi bốn ngày tăng điểm liên tiếp trong phiên này, sau khi báo cáo niềm tin người tiêu dùng ảm đạm của Mỹ đã khiến Phố Wall giảm trong phiên trước đó. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo mất 0,91% (244,87 điểm) xuống 26.804,60 điểm.
Tương tự, chứng khoán Hàn Quốc ngừng chuỗi ba ngày tăng điểm trong phiên 29/6, khi các nhà đầu tư ngày một lo sợ trước viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 1,82% (44,1 điểm) và đóng cửa ở mức 2.377,99 điểm.
Các thị trường Sydney, Mumbai, Manila, Taipei, Jakarta, Bangkok và Wellington cũng chìm trong sắc đỏ.
Tình trạng bán tháo ồ ạt diễn ra sau khi chứng khoán thế giới tăng trong hơn một tuần qua. Các nhà đầu tư trước đó đã hy vọng rằng, bất kỳ dấu hiệu kinh tế yếu đi nào cũng có thể khiến các ngân hàng trung ương làm chậm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Sự biến động trên các sàn giao dịch cho thấy các nhà đầu tư khó định hướng ra sao, giữa lúc các nhà hoạch định chính sách tài chính vật lộn tìm kiếm sự cân bằng giữa việc kiềm chế giá và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, một phần yếu tố khiến thị trường bất an là do cảm giác lạm phát sẽ kéo dài. Điều đó cho thấy người tiêu dùng không chắc chắn rằng những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để kiềm chế lạm phát có hiệu quả.
Các quan chức hàng đầu của Fed hôm 28/6 đã cố gắng “nói giảm nói tránh” về khả năng xảy ra suy thoái. Các chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco và New York đều bày tỏ lạc quan rằng kinh tế Mỹ có thể đạt được kịch bản “hạ cánh mềm”.
Nhưng các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ khả năng trên. Chuyên gia Sim Moh Siong tại Ngân hàng Singapore nói rằng kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ xuống thấp cho thấy nguy cơ tăng trưởng kinh tế nước này sẽ yếu hơn trong nửa sau năm 2022, cũng như nguy cơ suy thoái ngày càng tăng vào cuối năm.
Chia sẻ nhận định trên, nhà kinh tế trưởng Dana Peterson của tổ chức nghiên cứu Conference Board cảnh báo Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái kinh tế vào cuối năm 2022.
Tin tức này làm lu mờ một động thái bất ngờ của Trung Quốc trong việc cắt giảm thời gian cách ly đối với du khách quốc tế, vốn làm dấy lên hy vọng về việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 hơn nữa và từ đó cho phép nền kinh tế khổng lồ này phục hồi nhanh hơn.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/6, chỉ số VN - Index hầu như không đổi ở mức 1.218,09 điểm. HNX - Index để mất 1,52 điểm (0,54%) xuống 283,35 điểm./.