Chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn thử thách với nhà đầu tư cổ phiếu ngành thép, không phù hợp với đầu tư ngắn hạn 2,3 tháng mà cần dài hạn ít nhất 1 năm...
Quan điểm vừa được ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) chia sẻ trong talkshow do báo Đầu tư tổ chức chiều 2/6.
Đề cập tới lạm phát, ông Long cho rằng đây là vấn đề hiện được quan tâm hơn cả COVID. Ở Mỹ hay châu Âu, tỷ lệ lạm phát đã lên trên 8%, lên mức cao nhất khoảng 40 năm. Nhưng bức tranh lạm phát tăng cao không hoàn toàn phủ ở các quốc gia trên thế giới, như ở Trung Quốc, Nhật Bản, hay Việt Nam dù lạm phát có tăng cao hơn trước. Điều này đến từ cơ cấu tính rổ hàng hóa. Ở Mỹ, châu Âu, cơ cấu tính rổ hàng hóa liên quan nhà ở, năng lượng chiếm phần lớn. Trong khi ở Việt Nam, tỷ trọng liên quan mặt hàng ăn uống chiếm tới 1/3, giao thông đi lại chỉ dưới 10%.
“Khi giá cả hàng hóa tăng mạnh, nhất là năng lượng đã tác động lớn tới các nước phương tây, trong khi ở châu Á tỷ lệ lạm phát không cao quá. Sức ép lạm phát là có nhưng không ở mức độ ngoài kiểm soát của các nhà điều hành ở châu Á, ở Việt Nam”, ông Long cho biết.
Đề cập cụ thể tới ngành thép, ông Long nhấn mạnh, thép là ngành có tính chu kỳ cao. Thời gian COVID là thời gian hoàng kim của thép, do nhiều nước đổ tiền đầu tư công, nhiều doanh nghiệp thép tăng trưởng kinh doanh. Ngành thép trong 10 năm qua cũng có tình trạng 3,4 năm ổn, hơn 1 năm toàn bộ ngành bị bất lợi, thông tin ngược chiều nhiều làm giá cổ phiếu đi xuống. Định giá ngành thép thông thường không được trả cao, P/E thường chỉ dao động 8-9 lần, tốt hơn khoảng 10 lần, ngay cả bluechips.
“Sau chu kỳ dài hưởng lợi, biến động giá ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu đầu tư trong khoảng thời gian ngắn chỉ 2,3 tháng là khó vì vẫn nằm trong diễn biến đi xuống cùng giá quặng. Nếu đầu tư vào cổ phiếu ngành chu kỳ phải hiểu, kiên nhẫn. Nếu không né được chu kỳ phải cầm được thời gian dài, ít nhất hơn 1 năm. Đây là giai đoạn thử thách nhiều trong đầu tư cổ phiếu ngành thép”, ông Long nhận định.
Với nhóm hàng hóa thiết yếu, chuyên gia này đề cập, khi khó khăn do lạm phát, doanh nghiệp ngành này thường có khả năng chuyển tăng giá cho người tiêu dùng nhiều hơn so với các ngành khác. Tuy nhiên chỉ có một số nhóm có lợi thế, chủ động nguyên liệu tốt hơn với nhóm khác. Ví dụ giá gạo tăng, không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi. Với doanh nghiệp thiên làm thương mại, họ hưởng lợi doanh thu tăng nhưng biên lợi nhuận chưa chắc tăng. Doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tốt mới được hưởng lợi nhiều. Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đầu tư, đánh giá xem doanh nghiệp có phần nguyên liệu tốt không.
Ông Trần Thăng Long
Thanh khoản giảm chưa chắc là yếu tố không tốt
Đề cập tới thanh khoản thị trường giảm, chuyên gia BSC nêu, sau nhịp tăng lớn của thị trường từ đầu 2020 khi dịch xảy ra, VN-Index từ 660 điểm lên hơn 1.500 điểm. Thị trường không thể tăng mãi, sau tăng mạnh sẽ giảm, đi kèm với thanh khoản giảm, là điều bình thường.
“Khi kinh tế mở cửa, nhà đầu tư phải tập trung các lĩnh vực khác, không trading thường xuyên như trước. Tăng trưởng tín dụng tăng mạnh, nhiều ngân hàng đã chạm room tín dụng, nguồn tiền không còn dồi dào. Phiên giao dịch hơn 30.000 tỷ khó diễn ra mà sẽ giảm. Tuy nhiên chưa chắc đây là yếu tố không tốt. Nhà đầu tư cần rà soát lại tìm kiếm cơ hội đầu tư”, ông Long đánh giá.
Ông Long cũng đề cập chính sách hỗ trợ liên quan 11 ngành ảnh hưởng nặng từ COVID như hàng không, logistics, nhà ở xã hội… với quy mô khoảng 40.000 tỷ đồng trong 2 năm, tương đương hỗ trợ tín dụng 2% của 2 triệu tỷ đồng. Theo đó, vị này cho rằng sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp của những lĩnh vực được hỗ trợ. Nhưng cần lưu ý, dù được hỗ trợ khi doanh nghiệp được vay ưu đãi nhưng phần tăng chưa chắc tác động tới giá cổ phiếu. Nhà đầu tư cần lưu ý đưa vào danh mục nghiên cứu, lựa chọn cần thời gian.
Việc những gói hỗ trợ có giúp giảm bớt thiệt hại từ giá hàng hóa tăng, như thức ăn đầu vào cho ngành chăn nuôi? Ông Long cho rằng thông tin tốt là chắc chắn, nhưng việc hỗ trợ lãi suất chủ yếu tác động vào chi phí tài chính. Do đó, phụ thuộc doanh nghiệp đó có cấu trúc tài chính như thế nào. Nếu đòn bẩy cao thì việc hỗ trợ lãi suất có tác động lớn tới kết quả kinh doanh.
“Đầu tư chứng khoán không thể nói ngay doanh nghiệp hưởng lợi ngay lập tức. Nhà đầu tư cần xem lại báo cáo tài chính để ước tính được phần hưởng lợi bù bao nhiêu phần cho tăng giá”, chuyên gia BSC nêu.
Ông Long cho rằng, không chỉ riêng với nhóm hàng hóa thiết yếu, thị trường lúc nào cũng có cơ hội. Nhà đầu tư cần kiên nhẫn lựa chọn cơ hội phù hợp với bản thân mình. Giai đoạn rồi thị trường giảm làm giảm hưng phấn, định giá nhiều cổ phiếu, nhà đầu tư có thể quan tâm nhiều nhóm cổ phiếu nhưng không lập tức kỳ vọng ngay mà còn phụ thuộc diễn biến chung. Nhóm cổ phiếu liên quan hàng hóa cơ bản vẫn thuộc nhóm hưởng lợi nhiều hơn so với nhóm khác như hóa chất, phân bón, cao su, lương thực thực phẩm gồm gạo, thủy sản… Nhà đầu tư có thể quan tâm những mã top đầu của ngành.
Ngoài ra, thị trường sụt giảm, nhóm ngân hàng có định giá trung bình khoảng 1,3 - 1,4 P/B, trước đó là gần 2 lần. Với kết quả kinh doanh duy trì khả quan thì đây cũng là nhóm hấp dẫn với nhà đầu tư dài hạn.