Mỗi tháng Trung Quốc tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên, trong khi nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 115.000 tấn. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc khá lớn.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 4,65 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong thời gian này, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su từ một số thị trường như: Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản, Lào, Myanmar, Bờ Biển Ngà…
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 721,51 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022 chiếm 15,5%, giảm so với mức 16,6% của 4 tháng đầu năm 2021.
Mỗi tháng Trung Quốc tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên, trong khi nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 115.000 tấn. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc khá lớn. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ cao su của Trung Quốc trong năm 2022.
Về chủng loại nhập khẩu, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) của Trung Quốc đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Lào, Indonesia, Myanmar và Việt Nam.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tự nhiên (mã HS: 4001) cho Trung Quốc (% tính theo trị giá)
Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 7 cho Trung Quốc với 70,65 triệu USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 4,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 6,8% của 4 tháng đầu năm 2021.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường như Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Lào, Myanmara, Philippines… Trong đó, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên từ Lào tăng mạnh nhất, tăng tới 10.621% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) của Trung Quốc đạt 1,87 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Lào là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 645,41 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 34,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, giảm so với mức 36,3% trong 4 tháng đầu năm 2021.
Trong thời gian này, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như: Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Philippines; trong khi giảm nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia… so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt khoảng 110 nghìn tấn, trị giá 181 triệu USD, tăng 40,4% về lượng và tăng 27,9% về trị giá so với tháng 4/2022; so với tháng 5/2021 tăng 33,1% về lượng và tăng 26,4% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân trong tháng 5/2022 đạt 1.645 USD/tấn, giảm 8,9% so với tháng 4/2022 và giảm 5% so với tháng 5/2021.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 595 nghìn tấn, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng và tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.