Ngày 9/6, tỷ giá hối đoái giữa đồng ruble của Nga so với đồng USD và euro đã tăng mạnh, đánh dấu mức tăng cao nhất trong 2 tuần gần đây. Diễn biến này xuất phát từ các biện pháp kiểm soát vốn và giá dầu mỏ tăng cao.
Đồng ruble của Nga tại thủ đô Moskva ngày 24/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Trên sàn giao dịch Moskva vào lúc 11h21 GMT (18h21 theo giờ Việt Nam), đồng ruble được giao dịch ở mức 57,95 ruble đổi 1 USD, sau khi có thời điểm trước đó đã vượt qua mốc kỷ lục (57,4074 ruble/USD) từng ghi nhận vào ngày 25/5 năm nay. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái giữa đồng ruble và euro đạt 61,42 ruble/1 euro, tăng 3,4%, đánh dấu mức tăng cao nhất trong 2 tuần qua.
Đồng ruble đã trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay nhờ được hưởng lợi từ các biện pháp kiểm soát vốn thêm hơn 3 tháng kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2 năm nay. Các biện pháp tích cực của Nga để khiến dòng tiền không rời khỏi nước này kết hợp với tính khắc nghiệt của các lệnh trừng phạt của phương Tây đang làm gia tăng nhu cầu đối với đồng ruble và đẩy giá trị của đồng tiền này lên cao.
Bên cạnh đó, công ty nghiên cứu đầu tư SberCIB lưu ý rằng việc giá dầu thô tăng cũng thúc đẩy đà tăng của đồng nội tệ Nga. Cụ thể, trong phiên giao dịch cùng ngày, giá dầu thô Brent Biển Bắc, một tiêu chuẩn toàn cầu cho các đơn hàng xuất khẩu chính của Nga, đã nhích thêm 0.1% lên 123,7 USD/thùng, tiếp đà tăng của phiên trước đó.