Ngay từ tháng 5, các doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu trở lại đường đua phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong quý II/2022 vẫn ghi nhận tiếp tục suy giảm so với quý I.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup (
VIC) niêm yết 3 lô trái phiếu gồm VIC121003, VIC121004 và VIC121005 với tổng giá trị 3.515 tỷ đồng từ ngày 6/7, ngày giao dịch đầu tiên là ngày 14/7.
“Ồ ạt” trở lại đường đua…
Trước đó, công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Mỹ Phú phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ vào ngày 17/5/2022; công ty Hội An Invest cũng tiến hành một số đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 5, huy động 300 tỷ đồng; công ty cổ phần Bất động sản An Gia phát hành 300 tỷ đồng TPDN riêng lẻ ngày 12/5; công ty cổ phần Long Thành Riverside phát hành 105 tỷ đồng; công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Đô thị Ân Phú phát hành 50 tỷ đồng, Tập đoàn Novaland phát hành 5.774 tỷ đồng,…
Sang tháng 6, Tập đoàn Novaland tiếp tục phát hành hơn 2.000 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Bất động sản (BĐS) Hưng Lộc phát hành thành công 150 tỷ đồng trái phiếu, Công ty CP Đầu tư Nam Long phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu, Tập đoàn Vingroup công bố kết quả phát hành 100 triệu USD.
Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp BĐS đã bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại trong tháng 5 và tăng dần lên trong tháng 6/2022.
Cụ thể, trong tháng 5, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát hành tổng số trái phiếu gần 6.900 tỷ đồng. Và tới tháng 6 (tính đến ngày 24/6), con số này là hơn 7.500 tỷ đồng.
Nhìn chung, từ sau vụ việc liên quan đến Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị vào “tầm ngắm”, dẫn tới thị trường này trong tháng 4/2022 hoàn toàn vắng bóng trái phiếu BĐS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, từ tháng 5/2022, doanh nghiệp địa ốc đã bắt đầu “rục rịch” quay trở lại cuộc đua phát hành trái phiếu.
“Sau sự cố của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cơ quan điều hành có động thái siết lại rất chặt khiến các doanh nghiệp BĐS không dám phát hành trong tháng 4. Nhưng bước sang tháng 5 và 6, các doanh nghiệp đã rục rịch phát hành trở lại”, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Group nhận xét.
Hoạt động phát hành TPDN BĐS trong quý II/2022 vẫn ghi nhận tiếp tục suy giảm.
Triển vọng kém tích cực
Mặc dù các doanh nghiệp BĐS ồ ạt phát hành trái phiếu trở lại, song dữ liệu của FiinGroup cho thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 180 nghìn tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS trong quý II/2022 tiếp tục suy giảm khi tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% số đợt trong quý I, tương ứng với giá trị gần 8,6 nghìn tỷ, giảm tới 79% so với quý trước.
Trước đó, trong quý I/2022, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 45.374 tỷ đồng, giảm 84,9% so với quý trước.
Thời điểm đó, VnDirect cho rằng, thị trường có thể trầm lắng trong 1-2 quý tới do đang chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách, pháp lý được cơ quan quản lý nhà nước ban hành trong thời gian tới; các doanh nghiệp phát hành, tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành, nhà đầu tư tổ chức (ngân hàng, công ty bảo hiểm), cần thời gian để thích ứng với những thay đổi mới về mặt chính sách, pháp lý khi các Thông tư, Nghị định mới đi vào hiệu lực.
Trong đó, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của nhóm BĐS sẽ giảm dần trong một vài quý tới và nhường dòng vốn cho những doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ thiết yếu.
Giới phân tích cho rằng, với BĐS, khó khăn được dự báo còn kéo dài khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách kiểm soát chặt chẽ với tín dụng BĐS. Triển vọng của thị trường chứng khoán, BĐS Việt Nam 6 tháng cuối năm được cho là không mấy tươi sáng.
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta cho rằng, hiện tại BĐS đang gặp khó. Trong khi đó, thanh khoản của BĐS phụ thuộc vào tín dụng và trái phiếu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu BĐS không được khả quan cho lắm khi Bộ Tài chính thắt chặt thị trường trái phiếu, khiến cho tâm lý nhà đầu tư vẫn lo ngại rủi ro và e dè.
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng thương mại bị thắt chặt việc đầu tư vào thị trường trái phiếu cũng khiến cho thị trường trái phiếu trở nên kém sôi động. “Thị trường trái phiếu BĐS khó có thể nóng trở lại được”, ông Minh nói.
Một chuyên gia của Mirae Asset nhận định, hiện tại cả thị trường chứng khoán lẫn trái phiếu đều bị áp lực hút tiền trước những lo ngại từ lạm phát gia tăng. Bên cạnh đó, thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại, trong khi các ngân hàng đang rục rịch tăng lãi suất. Do đó, nhà đầu tư khó mà có thể mạnh tay mua trái phiếu được. “Từ giờ đến cuối năm, thị trường trái phiếu BĐS khó trở lại như thời điểm trước”, chuyên gia này nói.
Giám đốc Fiin Group cũng cho rằng, vấn đề là lãi suất như thế nào để các nhà đầu tư tham gia đang là trở ngại. Trong khi đó, tâm lý của nhà đầu tư vẫn chưa ổn định sau vụ việc Tân Hoàng Minh.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của Mirae Asset, đến thời điểm đáo hạn 1 - 2 năm nữa, cũng là lúc lãi suất thay đổi. Khi vấn đề lạm phát được bình ổn, lãi suất sẽ điều chỉnh giảm trở lại, khả năng thanh toán sẽ dễ thở hơn, mở ra chương mới cho thị trường trái phiếu nói chung cũng như trái phiếu BĐS nói riêng.
Trong khi đó, người đứng đầu Fiin Group cho rằng, mặc dù việc phát hành và đầu tư trái phiếu BĐS còn chứa đựng nhiều rủi ro, song trái phiếu BĐS vẫn tương đối quan trọng vì chiếm tới 40% tổng lượng phát hành trên thị trường. Với những sự thay đổi mới nhất của Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, dự báo sẽ là thông tin tích cực và rõ ràng hơn để thị trường trái phiếu sôi động trở lại.