Bức tranh thu hút FDI trong năm 2022 tiếp tục có thêm nhiều điểm sáng, tín hiệu tích cực đến từ các tập đoàn đa quốc gia như Central Reatail, Apple, Boeing... Bất chấp những bất ổn trong kinh tế toàn cầu, nhiều nhà đầu tư cho rằng đây lại là thời điểm vô cùng thú vị và đầy hứa hẹn để kinh doanh tại Việt Nam.
Đầu tuần này, thị trường bán lẻ Việt Nam "dậy sóng" trước thông tin từ Tập đoàn Central Retail công bố sẽ đầu tư 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong vòng 5 năm tới (2022 - 2026) với tham vọng trở thành nền tảng đa kênh số một trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại tại Việt Nam, phát triển mở rộng trên 55/63 tỉnh thành...
Thêm tín hiệu tốt
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi sau hơn 2 năm bị tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Do vậy, động thái rót vốn khủng của "ông lớn" Central Retail chắc chắn cũng hướng tới việc tận dụng tốt đà phục hồi của tiêu dùng hậu COVID-19 để gia tăng doanh thu. Chưa kể, với mạng lưới "chân rết" của các hệ thống, Central Retail đã không lạ lẫm với thói quen, thị hiếu của người tiêu dùng Việt.
Việc chuẩn bị quỹ đất sạch trong các khu công nghiệp cho nhà đầu tư đến "xây tổ" là rất quan trọng.
Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Việt Nam chia sẻ: “Năm 2012, Central Retail chính thức đầu tư vào Việt Nam khi nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển kinh doanh mạnh mẽ tại thị trường này. Chúng tôi nhìn nhận Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược trọng điểm, với sự tăng trưởng nhảy vọt qua từng năm, đạt doanh thu gần 38.6 tỷ Baht (hơn 25.000 tỷ đồng) trong vòng 10 năm, chiếm 22% tổng doanh thu của Central Retail”.
Ở những diễn biến liên quan khác, Báo cáo niềm tin kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới đây cho thấy, 76% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III/2022. Điều này có thể là do 55% số người trả lời cho biết Việt Nam đã cải thiện khả năng thu hút và duy trì vốn FDI kể từ quý I/2022. Chủ tịch EuroCham Alain Cany, chia sẻ bất chấp những bất ổn trong kinh tế toàn cầu, đây là thời điểm vô cùng thú vị và đầy hứa hẹn để kinh doanh tại Việt Nam.
Cuối tháng 7 này, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sẽ tham dự kỳ họp lần thứ III Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III). Việt Nam sẽ được đón tiếp đại diện lãnh đạo cấp cao nhất của các tổ chức xúc tiến thương mại như các Phòng thương mại, Liên đoàn thương mại công nghiệp, các Hiệp hội ngành nghề; các tập đoàn, công ty uy tín hàng đầu khu vực: Liên đoàn Công nghiệp Singapore, Thái Lan; các Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan; Tập đoàn UPS của Hoa Kỳ, Tập đoàn Esquel của Hồng Kông; các tập đoàn khổng lồ về công nghiệp, điện tử, máy tính, hóa chất kinh doanh như Quanta, Acer, NEC, Marubeni, Sinochem…
"Việc đăng cai kỳ họp III của ABAC sẽ giúp thúc đẩy những ưu tiên của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững và là dịp để Việt Nam thể hiện là điểm sáng của đầu tư quốc tế trong thời kỳ “bình thường mới” với những chính sách đầu tư an toàn, cởi mở, hấp dẫn; kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả; đồng thời thể hiện tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế", ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá.
Điểm đến đầu tư an toàn
Trước đó, những thông tin về thu hút FDI cũng cần phải đề cập như Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam; Boeing chuẩn bị cho chiến lược biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực... Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), nhận định đây là thời điểm có nhiều xáo trộn, nhưng cũng mang đến cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam kết nối với chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu thông qua các tập đoàn đa quốc gia.
Bà Hương cho hay, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn lớn như Apple, Oppo... "Chúng tôi sẽ ký hợp đồng có giá trị lớn với các tập đoàn này", bà Hương tiết lộ doanh nghiệp mong muốn bằng tiếng nói của mình, đóng góp của mình để xây dựng phát triển các khu công nghiệp, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ. Đây sẽ là động lực tốt hơn để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.
Theo bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), 6 tháng đầu năm nay đã chứng kiến tín hiệu tích cực trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đăng ký tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Các số liệu về thu hút FDI phản ánh xu hướng phục hồi, tăng mạnh của khu vực FDI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Thời gian tới, để đẩy mạnh thu hút được dòng vốn FDI chất lượng, bà Nga đề xuất thể chế về đầu tư cần hoàn thiện, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, thu hút nguồn vốn chất lượng; cải thiện các khu công nghiệp, đồng thời mỗi địa phương cần có quỹ đất sạch sẵn sàng đón dòng vốn FDI.
"Bên cạnh đó, vận động xúc tiến đầu tư phải khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, thông suốt giữa các địa phương, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh", bà Nga nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT
Nhiều giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chất lượng đang được Bộ KH&ĐT tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, sẽ tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; tập trung phát huy lợi thế như môi trường chính trị ổn định, vị trí thuận lợi, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh từ cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn lao động, hạ tầng... vốn là những yếu tố cơ bản mà nhà đầu tư quan tâm khi đưa ra quyết định đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Bà Bùi Kim Thùy
Đại diện Cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC)
Doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá, chính sách của Chính phủ Việt Nam rất tiến bộ, sự hỗ trợ của các bộ ngành rất kịp thời, và coi Việt Nam là trung tâm đầu tư mới. Không chỉ Apple dịch chuyển nhiều khâu sản xuất yếu tố đầu vào sang Việt Nam, Boeing đã có những cuộc làm việc tại Việt Nam và dự kiến tổ chức hội nghị kinh doanh lớn vào tháng 8 tới đây, mở đầu cho chiến lược biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp hàng không. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng quan tâm tới đầu tư vào hạ tầng logistics của Việt Nam, nếu những chính sách về đầu tư thuận lợi hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Toàn
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam cũng là cơ hội để thực hiện chọn lọc đầu tư kỹ càng để doanh nghiệp FDI đến Việt Nam làm ăn, kinh doanh chân chính. Theo đó, Việt Nam cần một bộ tiêu chí chọn lọc tốt để các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam sử dụng ít tài nguyên đất đai, ít năng lượng nhưng hiệu quả đầu tư cao hơn. Trong đó, bài toán năng lượng là vấn đề sống còn của nhiều quốc gia, nên nếu chúng ta thu hút những dự án tiêu hao năng lượng lớn thì sẽ đi ngược lại xu thế phát triển.