Ngày 15/7, Cơ quan thống kê quốc gia (ISTAT) của Italy đã công bố số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm của nước này trong tháng 6/2022 đã tăng 8%, mức cao nhất kể từ tháng 1/1986 (8,2%).
Người dân mua hàng trong siêu thị tại Milan, Italy.
Tỷ lệ lạm phát tháng 6 tiếp tục tăng so với mức tăng 6,8% của tháng 5, mức tăng cao nhất kể từ khi Italy gia nhập đồng tiền chung euro năm 1999.
Theo ISTAT, giá năng lượng là nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ lạm phát cao trong tháng 6, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 42,6% trong tháng 5.
Giá các mặt hàng tiêu dùng thường xuyên như thực phẩm và đồ gia dụng đã tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, một lần nữa là mức cao nhất kể từ tháng 1/1986, dẫn đầu là sự tăng giá của thực phẩm chế biến bao gồm rượu (từ 6,6% lên 8,1%) và thực phẩm chưa chế biến (từ 7,9% lên 9,6%).
Giá các ngành sử dụng nhiều năng lượng như dịch vụ giải trí và chăm sóc cá nhân cũng tăng 5,0%, vận tải tăng 7,2% và các dịch vụ chung tăng 3,4%.
Tỷ lệ lạm phát tháng 6/2022 đã tăng 1,2% so với tháng 5. Yếu tố chính đẩy giá năng lượng lên cao là xung đột Nga-Ukraine.
Cơ quan thống kê của Italy cho biết những người có thu nhập thấp đang cảm thấy khó khăn nhất. Lạm phát quý 2 đã tăng 9,8%, so với mức tăng 8,3% trong quý đầu tiên.
Tuy nhiên có một thông tin tích cực là nợ công của Italy trong tháng 5/2022 đã giảm xuống còn 2.755,6 tỷ euro, giảm thêm 3,3 tỷ euro so với tháng 4.
Ngân hàng Trung ương Italy cho biết khoản chi 19,7 tỷ euro trong tháng 5 đã được bù đắp nhờ khoản vay khu vực công tăng 11,1 tỷ euro và mức tăng 5,3 tỷ euro do lợi suất trái phiếu liên kết chỉ số tăng và sự thay đổi tỷ giá hối đoái./.