Ngày 18/7, giá phân ure tại Trung Quốc là 395 USD/tấn, tăng nhẹ 1,2% so với cuối tuần trước. Giá phân ure trong nước hiện giữ ở mức ổn định hơn 1 tháng qua.
Với mức giá 395 USD/tấn, giá phân ure đã đảo chiều so với diễn biến từ ngày 10/6. Tuy nhiên, giá này hiện vẫn thấp hơn ngày 10/7 khoảng 4%.
Theo Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA), công suất thiết kế của nhà máy đạm ure trên thế giới đã là 216 triệu tấn, và công suất hoạt động trung bình ở mức 80%. Nếu so với năm 2021, công suất đạt 78,6%, nên nguồn cung hiện giờ đã không còn thiếu hụt như trước.
Các chuyên gia cho biết, nhu cầu phân bón toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi trong khoảng 1,2% đến 1,9% vào năm 2023. Điều này chủ yếu là do sản lượng nông nghiệp tăng trở lại sau đại dịch. Ngoài ra, do tình trạng thiếu lương thực do xung đột Nga-Ukraine gây ra, nhiều nước đang tăng diện tích cung cấp lương thực thay vì nhập khẩu như trước đây. Chính vì thế, trước diễn biến giảm giá của phân bón ure trong nước và thế giới hiện nay trong hơn 1 tháng trở lại đây, dự đoán khó có thể giảm hơn nữa.
Ghi nhận ngày 18/7 tại thị trường Đông Nam Bộ, giá ure Cà Mau khoảng 800.000đ-810.000đ/bao, ure Phú Mỹ 790.000đ – 800.000đ/bao. Tại khu vực miền Bắc, ure Hà Bắc 780.000đ – 800.000đ/bao, ure Phú Mỹ 785.000đ - 805.000đ/bao.
Trong khi đó, giá photpho vàng, nguyên liệu trong sản xuất phân bón nhập khẩu giảm 0,5% so với cuối tuần trước và giao dịch ở 33.500 nhân dân tệ/tấn (4.964 USD/tấn).
Trái ngược lại với giá ure, thị trường vẫn ghi nhận giá phân DAP tăng liên tục từ tháng 4 đến nay. Giá phân bón DAP ghi nhận ở mức cao, hiện giao dịch ở 4.700 nhân dân tệ/tấn (694 USD/tấn). Giá DAP đã liên tục tăng từ giữa tháng 4 và hiện cao hơn giữa tháng 4 khoảng 30%. Hiện mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cả ở thị trường thế giới và trong nước.
Tương tự như DAP, giá kali cũng liên tục tăng cao và lập đỉnh trong thời gian gần đây. Hiện trong nước phải nhập khấu hoàn toàn kali.
Giá lưu huỳnh là 1.766 nhân dân tệ/tấn (261 USD/tấn), giảm 0,5% so với cuối tuần trước.
Theo ghi nhận tại một số thị trường ngày 18/7, giá phân bón DAP Hồng Hà (Trung Quốc) tại An Giang tăng 25.000 đồng/bao 50 kg lên 1,375 triệu đồng/bao. Kali bột Phú Mỹ tại Gia Lai tăng 30.000 đồng/bao lên 940.000 đồng/bao. Kali hạt Rồng Đỏ tại Quảng Bình tăng 20.000 đồng/bao lên 910.000 đồng/bao. Kali bột Phú Mỹ tại Hà Nội là 865.000 đồng/bao, nhích lên 10.000 đồng/bao so với ngày trước đó.
Hiện khí tự nhiên là nguyên liệu chính được tất cả các nhà sản xuất phân bón lớn, dùng để tạo ra thành phần amoniac cho khoảng 80% số lượng phân bón được sản xuất trên toàn cầu. Trước khi cuộc xung đột bùng nổ, Nga, Ukraine và Belarus là những quốc gia xuất khẩu lớn về phân bón dựa trên nitơ, nhưng tác động kết hợp của cuộc xung đột và giá khí đốt tăng cao đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ba nước này.
Chính vì thế, việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên giá phân bón trong thời gian tới. Nguy cơ về việc tăng giá phân bón vào mùa vụ sắp tới là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là với thị trường châu Á - nơi sản xuất lúa gạo lớn của thế giới.