Vận hành khai thác tiếp tục là mảng kinh doanh trụ cột của Viettel Construction chiếm tỷ trọng 59% tổng doanh thu.
Trong nửa đầu năm, doanh thu Viettel Construction đạt 4.223 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 49,2% kế hoạch năm 8.586,3 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế đạt 240 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ, lũy kế lợi nhuận trước thuế đạt 46,4% kế hoạch năm 517,6 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh Viettel Construction nửa đầu năm 2022
Trong đó, lĩnh vực đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào tổng doanh thu của Viettel Construction là Vận hành khai thác (doanh thu 2.500 tỷ đồng năm 2022, tăng so với 1.996 tỷ đồng năm 2021).
Lĩnh vực có tỷ trọng đóng góp lớn tiếp theo là Tư vấn thiết kế - xây dựng (1.055 tỷ đồng). Đây cũng là mảng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất của Viettel Construction trong 6 tháng qua với tỷ lệ 62% (doanh thu năm 2021 là 659 tỷ đồng).
Đứng thứ 3 về tỷ trọng đóng góp doanh thu là Giải pháp tích hợp (400 tỷ đồng). Tuy nhiên, đây là lĩnh vực duy nhất chứng kiến tăng trưởng âm trong nửa đầu năm (doanh thu năm 2021 là 662 tỷ đồng).
Mảng Đầu tư hạ tầng cho thuê và Dịch vụ kỹ thuật lần lượt đóng góp 141 tỷ và 123 tỷ đồng cho Viettel Construction trong 2 quý vừa qua.
Chiếm 59% tỷ trọng doanh thu, mảng Vận hành khai thác tiếp tục đóng vai trò trụ cột của Viettel Construction trong 6 tháng đầu năm nay. Cùng kỳ năm ngoái, mảng này cũng đem về 57% doanh thu cho công ty.
Vận hành khai thác chiếm tỷ lệ lớn trong doanh thu của Viettel Construction
Theo Viettel Construction, mảng Vận hành khai thác tăng trải nghiệm khách hàng và lợi thế cạnh tranh bằng hoạt động áp dụng KPI PTM 6h và 12h trong vận hành. Năng suất lao động mảng nhà trạm và dây máy lần lượt tăng 2,1% và 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, Viettel Construction ký hợp đồng vận hành, khai thác 704 trạm BTS cho 4 TowerCo tại Myanmar TIP (194 trạm), NTD (186), MNTI (168), Fortune (156).
Viettel Construction là TowerCo số 1 Việt Nam
Tính đến tháng 7, Viettel Construction trở thành TowerCo (đầu tư cho thuê hạ tầng viễn thông) số 1 Việt Nam, sở hữu tổng số 3.325 trạm BTS, 1.87 triệu m2 DAS (hệ thống ăngten phân tán), 2.662 km truyền dẫn và 16,87 MWp năng lượng mặt trời.
Viettel Construction được thành lập từ năm 1995 với tư cách là đơn vị thi công trực thuộc Tập đoàn Điện tử Viễn thông Quân đội - tiền thân của Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Viettel Construction xây dựng hạ tầng viễn thông cho Viettel ở cả thị trường trong và ngoài nước như Campuchia, Lào, Myanmar, Peru và Mozambique. Viettel Construction là đơn vị số 1 Việt Nam trong việc vận hành khai thác viễn thông.
Cho thuê trạm BTS đem về doanh thu lớn nhất cho mảng Vận hành khai thác của Viettel Construction
Hiện nay hạ tầng của Viettel Construction sở hữu phân bố tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hóa… nơi tập trung đông dân cư và nhu cầu tiêu thụ dữ liệu di động ngày càng tăng. Trong đó, các khách hàng sử dụng trạm BTS của Viettel Construction gồm Tập đoàn Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnammobile. Về mảng cáp, các khách hàng là MobiFone, FPT, CMC, Intercom, Netviet, SCTV, SPT, EVNICT, VNPT…
Ngoài các đơn vị trong nước, hiện nay Viettel Construction còn quản lý lớp mạng truy nhập viễn thông của các TowerCo tại Myanmar là NTD, MNTI, TIP, Fortune.
Đầu tư Hạ tầng cho thuê hiện là lĩnh vực có biên lợi nhuận lớn nhất trong các lĩnh vực kinh doanh của Viettel Construction. Tỷ lệ dùng chung các trạm BTS hiện nay đạt mức 1.03 (lũy kế 83 vị trí). Công ty đặt mục tiêu năm 2022 nâng tỷ lệ dùng chung lên 1.05, dự kiến sở hữu 4.921 trạm BTS.
Viettel Construction xây dựng 120.000 trạm viễn thông ở 10 quốc gia và vận hành hơn 35.000 trạm viễn thông. Đây là quy mô mà chỉ có một vài công ty TowerCo toàn cầu đạt được.
Chi phí đầu tư trạm của Viettel Construction hiện nay thấp hơn ít nhất 10% so với các nhà mạng khác và thấp hơn nhiều so với trạm viễn thông được tài trợ bởi nhà đầu tư tài chính. Lợi thế này đến từ kinh nghiệm trong xây dựng hạ tầng viễn thông, hoạt động kiểm soát chi phí, khả năng R&D nội bộ.
Trong những năm gần đây, TowerCo là ngành công nghiệp có quy mô lớn, dự kiến đạt 146 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng cao gấp 5 lần so với ngành viễn thông, châu Á được dự báo là khu vực có tốc độ tăng trưởng tốt nhất.
Trên thực tế nhu cầu thuê hạ tầng từ các TowerCo của các nhà mạng tăng cao, do nhu cầu sử dụng lưu lượng data của người dùng ngày một lớn. Khi công nghệ 5G bùng nổ, cơ hội đầu tư xây dựng các trạm BTS mới sẽ được gia tăng hơn nữa.