Sau khoảng 15 năm trồng cao su tại Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có lãi, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa
Từ vùng đất hoang sơ vắng bóng người ở Campuchia, những cánh rừng cao su cả ngàn hecta do doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư mọc lên đều tăm tắp đang bước vào thời kỳ thu hoạch, sản lượng cao.
Những ngày đầu gian khó
Ông Lê Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa - Kampong Thom (thành viên Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - VRG), là 1 trong 8 người đầu tiên khai phá dự án tại xã Kroyea (huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom) từ tháng 4-2009. "Khi tôi sang đây, xung quanh chỉ toàn là rừng nghèo kiệt, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, anh em trong công ty không ai biết tiếng địa phương nên khó càng thêm khó. Nhưng rồi anh em đã nỗ lực để trồng được gần 5.400 ha cao su và bắt đầu khai thác mủ từ năm 2016.
Rừng cao su do Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom đầu tư đã bắt đầu thu hoạch
Trồng cao su là đầu tư dài hạn, sau 10 năm mới tính đến chuyện có lãi nhưng đến năm thứ 9, tức năm 2018, dự án của DN đã có lợi nhuận. Năm 2021, năng suất mủ đạt 2,15 tấn/ha trong khi toàn ngành cao su năng suất bình quân là 1,68 tấn/ha và chúng tôi là DN có giá thành sản xuất thấp nhất toàn tập đoàn. Nhờ vậy, DN đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 163 tỉ đồng, vượt 63% kế hoạch cả năm" - ông Hùng tự hào.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Luyến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa - Kampong Thom (thành viên VRG), cũng là 1 trong 10 nhân sự đầu tiên khai phá dự án cao su gần 7.700 ha tại xã Boeung Lavea (huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom). "Năm 2009, khi chúng tôi sang Campuchia phải ở trong lán trại giữa rừng, chưa có điện, nước. Anh em trong công ty phải ra suối để lấy nước ăn uống và sinh hoạt, sau 1 tháng mới đóng giếng lấy nước. Tháng đầu tiên, DN chỉ có tướng mà không có lính nên ban tổng giám đốc phải tự lo chuyện chợ búa, bếp núc, giặt giũ… bên cạnh nhiệm vụ khai hoang và trồng mới cao su. Đó là những ngày không thể nào quên của chúng tôi khi phát triển cao su trên đất Campuchia" - ông Luyến nhớ lại.
Còn ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom, nhớ về những ngày đầu sang nước bạn hết sức khó khăn - từ điều kiện sinh hoạt, bất đồng ngôn ngữ, chưa nắm bắt được văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của địa phương. "Thế nhưng, công ty đã nỗ lực khai hoang và trồng mới cao su "thần tốc", có năm đạt hơn 4.500 ha để thích ứng với những quy định mới của nước bạn. Đầu tư sang đây từ năm 2009, khi đó chính phủ Campuchia cho thuê đất 90 năm, sau đó giảm còn 70 năm rồi 50 năm. Đến năm 2013, DN nước ngoài không còn cơ hội đầu tư trồng cao su tại đây nữa vì chính phủ Campuchia đã ngưng cấp phép, chỉ duy trì các dự án cũ. DN hiện có 2 dự án với tổng diện tích gần 16.300 ha, trên địa bàn tam giác 3 tỉnh Kampong Thom, Siem Reap và Preah Vihear" - ông Linh thông tin.
Trong khi đó, Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom là DN trồng cao su tại Campuchia từ năm 2007 tại xã Kroyea (huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom). "Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay DN đã định hình, đi vào sản xuất - kinh doanh và có lợi nhuận. Công ty đã giải quyết việc làm cho hơn 1.350 lao động địa phương, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân quanh vùng nơi công ty trú đóng với tiền lương luôn ổn định và cao hơn so với mức sống tại địa phương" - ông Lâm Thanh Phú, Tổng Giám đốc DN này, cho biết.
Đất không phụ người
Trong chuyến đi thực tế tại Campuchia mới đây, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi những cánh rừng cao su bạt ngàn, thẳng tắp do DN Việt Nam đầu tư. Sau giai đoạn đầu phải chuyển mủ cao su về Việt Nam để chế biến, các DN đều đầu tư nhà máy chế biến tại chỗ khép kín và tối ưu hóa chuỗi sản xuất.
Theo các DN, đất đai tại Campuchia liền vùng, thuận lợi cho canh tác lớn và phù hợp với cây cao su nên năng suất cao, giá thành thấp. Việc giá cao su tăng trong những năm gần đây cũng đem về hiệu quả kinh tế cao cho các DN khi đầu tư trồng cao su ở Campuchia.
Như Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa - Kampong Thom, năm 2020 lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 9,99 tỉ đồng nhưng đến năm 2021 đã tăng hơn 10 lần, đạt 103,3 tỉ đồng. Công ty TNHH Phát triển Cao su Tân Biên - Kampong Thom năm 2020 lãi trước thuế gần 57,9 tỉ đồng thì năm 2021 đã đạt 203,6 tỉ đồng (tăng 3,5 lần).
Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom năm 2021 đạt lợi nhuận sau thuế 206,4 tỉ đồng, gấp gần 2,4 lần năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận của DN này đạt 88 tỉ đồng và dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những tháng cuối năm. "Với mức giá mủ cao su như hiện nay, dự kiến năm 2025, dự án đầu tư của công ty tại Campuchia sẽ hoàn vốn" - Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom dự tính.
Để có được thành quả như ngày nay, các DN cao su cho biết bí quyết đầu tiên là phải tuân thủ pháp luật tại nơi đầu tư để tránh những vi phạm không đáng có. Thứ hai là phải hiểu phong tục, tập quán của người dân địa phương để có thể sống thân thiện với người dân bản xứ, để họ không có cảm giác đang đi làm thuê cho DN nước ngoài mà là cùng nhau tạo dựng công ty, cùng phát triển.
Bên cạnh đó, theo cam kết đầu tư ban đầu, các DN Việt Nam đều phát triển hệ thống điện - đường - trường - trạm, không chỉ phục vụ cho dự án mà còn phục vụ người dân xung quanh, giúp phát triển đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, các DN còn đóng góp xây dựng chùa để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người lao động và dân địa phương.
Ngoài ra, các DN cũng tích cực đóng góp, tài trợ cho các hoạt động từ thiện, xã hội tại nơi trú đóng. "Phải tạo dựng được mối quan hệ tốt với chính quyền và người dân địa phương để hoạt động của công ty thuận lợi. Đồng thời, phải chăm lo tốt cho đời sống người lao động để ổn định hoạt động sản xuất" - lãnh đạo một DN đúc kết.
Đầu tư hơn 800 triệu USD
Theo VRG, hiện có 16 công ty thành viên của tập đoàn đầu tư trải dài trên 7 tỉnh tại Campuchia với tổng giá trị hơn 800 triệu USD, tổng diện tích khoảng 90.000 ha cao su, diện tích đã đưa vào khai thác gần 75.000 ha. Tính đến hết năm 2021, tổng số lao động đang làm việc tại các đơn vị thành viên khoảng 18.000 người; dự kiến năm nay, khi các đơn vị đưa tất cả diện tích 90.000 ha cao su vào khai thác thì nhu cầu sử dụng lao động trực tiếp có thể tăng lên hơn 20.000 người.