6 tháng cuối năm 2022 ngành thép tiếp tục phải đối diện với các rủi ro về lạm phát gia tăng và ngành bất động sản chững lại..
Trong báo cáo triển vọng ngành thép và tôn mạ 6 tháng cuối năm 2022 vừa công bố, Chứng khoán Mirae Asset hạ 15% dự phóng sản lượng so với trước đây.
Theo đó, cả năm 2022, Mirae Asset dự phóng sản lượng thép toàn ngành sẽ đạt 27,76 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ. Riêng sản lượng xuất khẩu đạt mức 7,6 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng thép tiêu thụ nội địa chỉ đạt 20,1 triệu tấn, giảm 13,6% so với cùng kỳ.
Trước đó, tính hết 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thép toàn ngành đạt 10,48 triệu tấn (giảm 22% so với cùng kỳ). Sản lượng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,8 triệu tấn (giảm 0,5% so với cùng kỳ).
Trong đó, sản lượng thép xây dựng xuất khẩu là sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất, đạt 1,03 triệu tấn (tăng 49% so với cùng kỳ) đã giúp sản lượng thép xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022 không suy giảm mạnh trong bối cảnh nhu cầu sắt thép cả thế giới suy giảm.
Đánh giá triển vọng ngành thép và tôn mạ 6 tháng cuối năm 2022, Mirae Asset hạ nhận định ngành thép từ tích cực xuống trung tính.
Nguyên nhân do áp lực từ nguồn cung than cốc lẫn giá than tăng cao, bào mòn từ 3-6% biên lợi nhuận gộp các công ty thép, lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại và ngành bất động sản chững lại trong năm 2022.
Trong năm 2022, Mirae Asset cho rằng ngành bất động sản sẽ khó hồi phục như kỳ vọng do các chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản, và ngành thép sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp về sản lượng.
Cụ thể, các dự án nhà ở thương mại mới ở Hà Nội lẫn TP.HCM giảm lần lượt trên 30% và 60% và dự phóng chỉ phục hồi từ năm 2023.
Lượng thép tồn kho nội địa đến hết tháng 5/2022 đã đạt mức kỷ lục là 1,49 triệu tấn, tương đương sản lượng tháng 5/2022, so với trung bình 3 năm 2019-2021 chỉ ở mức 56% sản lượng tháng.
Mirae Asset cho rằng việc lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép trong đầu tháng 6/2022 đã giảm về mức 16,8 triệu đồng/tấn, giảm 2,1 triệu đồng/tấn so với lúc đỉnh.
Mặc khác, ngành thép và tôn mạ sẽ đối diện nhiều rủi ro như biến động giá nguyên liệu. Theo ước tính chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất. Các công ty thép và tôn mạ thường có yếu tố đầu cơ giá quặng sắt và HRC, nếu giá HRC giảm mạnh sẽ khiến giá bán của các công ty tôn mạ và ống thép điều chỉnh.
Một rủi ro nữa là lạm phát khiến nhu cầu xây dựng giảm. Từ quý 3/2021 việc giá than tăng cao đã trực tiếp gây áp lực tăng giá lên toàn bộ ngành vật liệu xây dựng và nhiên liệu. Mirae Asset đánh giá trường hợp các loại vật liệu xây dựng không điều chỉnh, trong 6 tháng cuối năm 2022 diện tích sàn xây dựng có thể suy giảm từ 3-5% so với cùng kỳ.
Thứ ba là rủi ro về các nhà sản xuất Trung Quốc tăng cường xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm 2022, các nhà sản xuất Trung Quốc do ảnh hưởng của lệnh hạn chế khí CO2 và giãn cách xã hội nên chỉ xuất khẩu 18,2 triệu tấn (-29,2% so với cùng kỳ).
Trong trường hợp 6 tháng cuối năm 2022 các nhà sản xuất ở Trung Quốc hoạt động lại bình thường, thị trường thép có thể đối diện với nhiều khó khăn hơn khi các sản phẩm từ Trung Quốc thường có giá cạnh tranh hơn nhờ ưu thế về quy mô sản xuất.
Thứ tư là rủi ro về chính sách. Nghị định 101/2021/NĐ-CP thông qua chủ trương tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép nếu trong trường hợp giá thép tăng quá cao nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép, hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ lại cho sản xuất trong nước, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.