Ngày 8/7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hồng Thanh đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).
Tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cho biết, PTSC là đơn vị do PVN nắm cổ phần chi phối (51% vốn điều lệ). Với tổng quy mô tài sản tính đến cuối năm 2021 là 24.844 tỷ đồng, PTSC hiện sở hữu một hệ thống cơ sở vật chất lớn mạnh, phân bố tại nhiều tỉnh thành trong cả nước với đội tàu dịch vụ hơn 19 chiếc, đầu tư sở hữu và đồng sở hữu 6 kho nổi chứa xuất và xử lý dầu thô hiện đại có giá trị lớn.
Hệ thống căn cứ cảng được PTSC đầu tư phát triển tại nhiều trung tâm kinh tế - dầu khí từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Đặc biệt, căn cứ cảng dịch vụ dầu khí tại Vũng Tàu đã cung cấp hỗ trợ dịch vụ cảng và hậu cần cho toàn bộ các hoạt động chính về thăm dò và khai thác của các nhà thầu dầu khí tại Việt Nam.
PTSC hiện còn đang sở hữu và quản lý các xưởng cơ khí chế tạo, điện tự động hóa, chống ăn mòn... công trường thi công, đóng mới các công trình dầu khí ngoài khơi và các công trình công nghiệp, phương tiện hiện đại…
Kết quả thực hiện doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 là 6.600 tỷ đồng, đạt 165% kế hoạch nửa đầu năm, bằng 66% kế hoạch năm, tăng 13% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 là 380 tỷ đồng, đạt 156% kế hoạch nửa đầu năm.
Lãnh đạo PTSC đã gửi 15 kiến nghị trong đó nhấn mạnh, trong thời gian tới ngành dầu khí sẽ triển khai hàng loạt dự án trọng điểm có quy mô đầu tư và khối lượng công việc vô cùng lớn, điển hình như các chuỗi dự án Cá Voi Xanh, Lô B, các dự án nhà máy xử lý khí, các dự án nhà máy điện than, nhà máy điện khí, dự án Lạc Đà Vàng, Kình Ngư.
Đây là cơ hội rất lớn để tham gia cung cấp dịch vụ, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện năng lực đối với các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật nói chung và PTSC nói riêng. PTSC đề xuất: đối với các dự án ngoài khơi (bao gồm cả các dự án giàn công nghệ trung tâm) nên có cơ chế hạn chế đấu thầu quốc tế, chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu trong nước chứng minh năng lực, thậm chí yêu cầu các nhà điều hành tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực các đơn vị trong nước để đưa ra kết luận.
Căn cứ vào kết quả chứng minh hoặc báo cáo khảo sát, Tập đoàn sẽ xem xét ưu tiên huy động các đơn vị có khả năng thực hiện trên cơ sở cạnh tranh về giá; hoặc tổ chức đấu thầu trong nước và vận dụng các biện pháp bảo hộ như đã trình bày hỗ trợ các đơn vị trong nước có vị thế đàm phán với các đối tác nước ngoài.
Đối với các dự án công nghiệp trên bờ, hiện chưa có nhà thầu trong nước hoàn chỉnh năng lực EPC. Tuy nhiên với mục tiêu phát triển các doanh nghiệp, tăng cường tối đa tỷ lệ nội địa hóa, PTSC cũng đề xuất Tập đoàn xem xét tham mưu cho Chính phủ chỉ cho phép đấu thầu trong nước và vận dụng các biện pháp, chính sách hỗ trợ như đã trình bày; đồng thời mở rộng danh sách các nhà thầu quốc tế có bản quyền tham gia đấu thầu cung cấp giải pháp công nghệ để tăng cơ hội lựa chọn được công nghệ phù hợp và hiệu quả nhất.
Với xu hướng bảo hộ hiện nay của nhiều nước trên thế giới, PTSC kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép Tập đoàn có các giải pháp cụ thể tạo hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế nguy cơ mất cơ hội công việc ngay trên sân nhà, cũng như hạn chế sự tham gia của các tập đoàn nhà thầu quốc tế vào các dự án tại Việt Nam.
Các chính sách này sẽ giảm thiểu cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí, khuyến khích và ưu tiên các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí trong nước, thúc đẩy dịch vụ, sản xuất trong nước. Chính phủ cho phép Tập đoàn ban hành bộ quy chuẩn về thương mại, kỹ thuật, năng lực kinh nghiệm của các nhà thầu, nhà cung cấp và phê duyệt danh sách nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn…