Ngày 1/8/2022 đánh dấu tròn 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp thủy sản đã tăng sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo hiệp định, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường cao cấp này.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú. Ảnh: ST
Tận dụng ưu đãi từ EVFTA
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU) tiếp tục tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 28,61 tỷ USD. Và ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ khu vực này của Việt Nam đạt 10,46 tỷ USD, giảm 3%.
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã và đang có những thay đổi khi các doanh nghiệp Việt Nam tích cực đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thủy sản được ưu đãi thuế từ EVFTA. Trong khi đó, phía đối tác cũng ưu tiên lựa chọn sản phẩm thủy sản từ Việt Nam do có mức giá cạnh tranh hơn.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, các doanh nghiệp Việt Nam đã linh hoạt, nhạy bén trong việc tìm kiếm thị trường, tận dụng được lợi thế từ EVFTA. Hiệp định này có tác dụng xúc tác, kích thích lớn nhất, tăng doanh số xuất khẩu của Việt Nam, đã tạo ra động lực tăng trưởng mới cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam với những thuận lợi về thương mại, ưu đãi thuế quan mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng loạt mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam vào thị trường giàu tiềm năng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhu cầu tại EU hồi phục sau dịch Covid -19, lạm phát thực phẩm cao, nên bất chấp những khó khăn như cước vận tải biển tăng vọt, chi phí container cao, các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, hiệp định thương mại tự do EVFTA càng là yếu tố thuận lợi giúp xuất khẩu sang EU thêm khởi sắc. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 688 triệu USD, tăng tới 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, tôm vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu sang EU, chiếm 54% với 303 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhu cầu thủy hải sản tăng mạnh ở châu Âu là cơ hội lớn cho thủy hải sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vừa được giá, có thể thắng lớn. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Trong đó, những thị trường xuất khẩu lớn nhất trong khối EU là Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ và Pháp. Đây là kết quả tương đối tích cực, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, cước phí vận tải tăng lên mức cao kỷ lục trong khi xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU vẫn chưa được gỡ thẻ vàng IUU.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhu cầu tại EU hồi phục sau dịch Covid -19, lạm phát thực phẩm cao, nên bất chấp những khó khăn như cước vận tải biển tăng vọt, chi phí container cao, các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo các chuyên gia, việc bước vào sân chơi lớn cũng đồng nghĩa hàng hóa Việt Nam phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới. Về lâu dài, muốn phát triển bền vững trong “sân chơi thương mại” này, doanh nghiệp cần phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, khoa học để đáp ứng các yêu cầu liên quan đến chứng nhận xuất xứ.
Nhằm tận dụng các cơ hội mà EVFTA mang lại, bà Bùi Hoàng Yến, Tổ phó Tổ Công tác miền Nam - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động, bao gồm:
Một là, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế qua theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Hai là, việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.
Ba là, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU.