Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam đề xuất cơ chế dành quyền vận tải 20 – 30% sản lượng xuất nhập khẩu cho đội tàu Việt Nam trên cơ sở giá thắng thầu vận tải
Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc
Trong đợt khủng hoảng giá cước (tăng gấp 5-7 lần) vừa qua, lợi nhuận "rơi vào túi" các hãng lớn của nước ngoài. Doanh nghiệp logistics Việt chưa được hưởng lợi nhiều trong vấn đề này nên việc đẩy mạnh đội tàu, trong đó có container, là rất quan trọng, ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam nhận định tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp hôm nay.
Theo đó, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển cảng bên cạnh các khu kinh tế lớn. Để tận dụng tối đa sức mạnh và hệ sinh thái, việc hỗ trợ phát triển đội tàu, cảng mang thương hiệu Việt Nam đang hết sức cần thiết.
Hiện nay, ngoài cơ chế hỗ trợ đã được Chính phủ, bộ ngành quan tâm, thì trong quá trình phát triển đội tàu, ông Trung cho rằng cũng cần hoàn thiện chính sách về mua sắm, đấu thầu.
Ngoài ra, vận tải phải liên kết được hàng hoá, theo ông Trung, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp logistics, vận tải, hàng hải thì cần cơ chế phù hợp với các yếu tố quốc tế, đồng thời hài hoà với điều kiện trong nước.
Cụ thể, Việt Nam là nước nhập khẩu lớn một số mặt hàng như than từ 40-70 triệu tấn/năm hay xuất khẩu clinker/xi măng trên 25 triệu tấn. Tuy nhiên, đội tàu Việt Nam còn khá nhỏ bé so với đội tàu thế giới nên rất cần cơ chế dành quyền vận tải 20 - 30% sản lượng xuất nhập khẩu cho đội tàu Việt Nam (trên cơ sở giá thắng thầu vận tải). Các nước khác như Indonesia, Philipines đều áp dụng cơ chế này, đại diện hiệp hội logistics cho biết.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bình ổn giá xăng dầu, ông Trung cho rằng cần tiếp tục duy trì và đảm bảo giá xăng dầu ổn định như hiện nay, ít nhất cho tới quý II/2023.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết năm nay khả năng cao Việt Nam sẽ là 1 trong 10 nước có cán cân thương mại tốt nhất Việt Nam.
Về logistics, ông Diên cho rằng doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, logistics cũng cần tập trung khai thác tốt thị trường nội địa vẫn còn dư địa gia tăng, là trụ đỡ trong bối cảnh thị trường nước ngoài đang có xu hướng bị thu hẹp do nhu cầu giảm.