Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng nhận định, việc sáp nhập 3 địa phương Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành là điều cần thiết để tiến lên đô thị loại I. Để đạt được điều đó, cần liên kết kêu gọi nhà đầu tư thực hiện hạng mục quan trọng.
Sáp nhập 3 địa phương là cần thiết
Năm 2021, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 08 về xây dựng và phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh trên cơ sở lấy hạt nhân là đô thị Tam Kỳ, mở rộng không gian về phía Nam là huyện Núi Thành và phía Tây là huyện Phú Ninh.
Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức cuộc họp bàn về các phương án về địa giới hành chính khi sáp nhập 3 địa phương được xem xét để cân bằng, hài hòa.
Ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho rằng, chủ trương sáp nhập 3 huyện, thành phố vào thành một này hoàn toàn đúng đắn, bức thiết và cần khẩn trương làm.
"Thời gian đầu khi nhập lại chúng ta chấp nhận lùi xuống nhưng lùi xuống mới có bước đà để phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ngay từ bây giờ tỉnh cần định hướng rõ ràng trong việc đầu tư, phát triển trên tinh thần hướng đến đô thị loại I nếu không sau này sẽ rất khó làm", ông Thẩm nhận định.
Đại diện lãnh đạo TP. Tam Kỳ, huyện Núi Thành hoàn toàn thống nhất chủ trương sáp nhập, đồng thời các địa phương kiến nghị một số vấn đề như việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về ý nghĩa của việc sáp nhập 3 đơn vị hành chính này. Trong quá trình xây dựng đề án sáp nhập phải có tính định hướng về quy hoạch cơ sở hạ tầng, giao thông…
Các địa phương Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh sẽ được sáp nhập để tiến lên đô thị loại I. Ảnh: Nam An.
Theo ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, về định hướng không gian đô thị loại I, đối chiếu với quy định hiện tại, Tam Kỳ mới chỉ đạt 47/59 tiêu chí, còn 12 tiêu chí chưa đạt. Trong đó, diện tích tự nhiên không đạt, quy mô dân số toàn đô thị rất thấp và khó đạt trong tương lai gần, thu nhập bình quân đầu người thấp.
Do đó, phương án sáp nhập Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh thành một đơn vị hành chính mới sẽ đảm bảo tính chất đô thị động lực của vùng, đảm bảo quy mô diện tích, tiêu chí về dân số và có đủ điều kiện để xây dựng và phát triển một không gian đô thị chiến lược trong tương lai cho Quảng Nam.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cao với phương án sáp nhập 3 đơn vị hành chính Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc sáp nhập hoàn toàn có cơ sở khoa học, phù hợp về văn hóa vùng miền… Đồng thời, ông yêu cầu Sở Nội vụ và Sở Xây dựng chủ trì đề xuất các nhiệm vụ liên quan trong xây dựng đề án sáp nhập cũng như xây dựng, phát triển đô thị loại I. Sở KH&ĐT nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù cho 3 đơn vị này trên lộ trình sáp nhập…
Bí thư Thành ủy Tam Kỳ nhấn mạnh việc liên kết giữa các địa phương thu hút đầu tư và cơ chế mở để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Nam An.
Tạo cơ chế mở thu hút nhà đầu tư
Chia sẻ với Nhadautu.vn, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng cho hay, để phát triển hơn nữa thì riêng TP. Tam Kỳ có đầu tư đến mấy, có quyết tâm chính trị đến mấy thì khi đi một mình cũng không thể trở thành đô thị loại I được.
"Việc sáp nhập 3 địa phương lại nhằm tạo thành một đô thị động lực của tỉnh và cả vùng là vấn đề quan trọng nhất, ưu tiên hàng đầu của tỉnh và cả khu vực. Vấn đề phải mở rộng địa giới để trở thành đô thị loại I là điều tiếp theo", ông Hưng khẳng định.
Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cho hay để thực hiện được những điều đó, lãnh đạo TP. Tam Kỳ và 2 huyện Núi Thành, Phú Ninh cần phải có sự phối hợp, liên kết với nhau để kêu gọi đầu tư, doanh nghiệp đến cùng tham gia.
"Trước hết, cả 3 địa phương đã ngồi bàn, thảo luận với nhau và thống nhất một danh mục dự án trình lên tỉnh xem xét để đầu tư các công trình kết nối liên vùng. Trong đó chủ yếu hạ tầng giao thông kết nối 3 huyện, các tuyến giao thông này đóng vai trò động lực để thúc đẩy sự phát triển liên quan đến dân sinh, đời sống, kể cả vấn đề thu hút đầu tư nữa", ông Hưng nói.
Ông Trần Nam Hưng nhấn mạnh, TP. Tam Kỳ sẽ có cơ chế mở để thu hút nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư tiềm năng về đầu tư các dự án đô thị để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nói chung và nâng cao đời sống người dân.
Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho hay, phương án sáp nhập 3 địa phương có tính toàn diện, phù hợp với yêu cầu phát triển mới lẫn bối cảnh truyền thống, lịch sử. “Ngay từ bây giờ cần định hình các dự án động lực để tạo thành vùng động lực, thu hút thêm dự án đô thị, rà soát lại đầu tư công”, ông Quang nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam lưu ý, tỉnh cần thống nhất chủ trương địa giới hành chính đô thị mới và hoàn thành thủ tục liên quan để cấp thẩm quyền phê duyệt hoàn thành trong năm 2024. Để đến năm 2025 khi tổ chức đại hội đảng bộ nhiệm kỳ mới thì 3 địa phương chỉ còn 1 đơn vị hành chính.
Dự kiến nếu đúng lộ trình, giai đoạn 2026 - 2030, cơ quan chức năng sẽ lập đồ án quy hoạch chung đô thị loại 1 và lập chương trình phát triển đô thị loại 1 của tỉnh. Cũng trong giai đoạn này, tiếp tục đầu tư các vùng động lực và không gian kết nối để khoảng cuối năm 2029 khi đủ điều kiện, Quảng Nam sẽ lập đề án công nhận đô thị loại 1 thuộc tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng, việc sáp nhập này nhằm tập trung nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển đô thị loại I của tỉnh. Thông qua việc sáp nhập này sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân, thu hút đầu tư, thúc đẩy và hình thành các đô thị vệ tinh…
Đối với cơ chế đầu tư, ông Phan Việt Cường cho biết, vẫn tiếp tục đầu tư hạ tầng cho 3 đơn vị hành chính nhưng phải có tính quy mô, tương thích với tiêu chí của đô thị loại I.