Sau 2 năm Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt những lợi thế đa dạng từ hiệp định này. Tuy nhiên, theo đánh giá, thị phần hàng Việt tại thị trường EU hiện vẫn còn thấp và còn có tiềm năng phát triển hơn nữa.
Tăng trưởng 15%
Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Sau 2 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả… đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao ở mức từ 20-30%/năm và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 2 năm vừa qua, tính từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.
“Trong 2 năm vừa qua, đa số các mặt hàng của chúng ta xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%. Còn với các nhóm hàng truyền thống, chúng ta đã xuất khẩu mạnh từ trước khi có hiệp định như dệt may, gia dày, đồ gỗ, cũng đạt mức tăng trưởng từ khoảng 10-15%. Duy nhất có một nhóm hàng do tác động của dịch Covid-19 có bị giảm sút đó là điện thoại và linh kiện. Tuy nhiên, về tổng thể chúng ta thấy rằng, tác động của Hiệp định là một xung lực rất tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam”, ông Trần Thanh Hải cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông - Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, EU từng là thị trường số 1 của thuỷ sản Việt Nam nhưng sau đó bị rơi vào thứ 4, sau cả Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Bởi xuất khẩu cá tra liên tục bị sụt giảm, mặt hàng tôm, hải sản khác cũng liên tục bị sụt giảm.
Tuy nhiên, năm 2020 khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mang lại kỳ vọng lớn cho xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường này. Theo đó, nhóm thuỷ sản chủ lực như tôm chiếm 40-50% xuất khẩu sang EU, cá tra chiém 10-16%, các mặt hàng hải sản khác chiếm 35%... Có thể nói, các nhóm mặt hàng thuỷ sản chính đều được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực.
Đến năm 2022, hết quý II, EU là thị trường nằm trong ba nhóm xuất khẩu thuỷ sản cao nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, nhưng với các thuế quan ưu đãi của EVFTA đã bộc lộ rõ nét, xuất khẩu thuỷ sản tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thuỷ sản chính kể cả cá tra đã tăng 30-39%, trong đó cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Còn nhiều rào cản cần vượt qua
Đánh giá về việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA trong 2 năm vừa qua, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhìn nhận, EU là thị trường khó tính với hàng rào kỹ thuật nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đáp ứng yêu cầu cao để vào thị trường. Điều này cho thấy tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi, doanh nghiệp Việt Nam đã định hướng thị trường và mặt hàng tốt hơn. Tuy nhiên, nhìn vào thị phần hiện nay vẫn còn thấp, rau quả chưa đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp...
“Chúng ta vẫn đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi đó thị trường EU rất lớn, rất hiệu quả thì chúng ta chưa tập trung, như vậy dư địa tăng trưởng còn rất lớn, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa”, ông Ngô Chung Khanh khẳng định.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, ở góc độ doanh nghiệp, Trung An đã thâm nhập được thị trường EU với các lô hàng gạo thơm với giá xuất khẩu trên 1.000 USD/tấn, nhưng ở quy mô ngành, xuất khẩu sang EU vẫn rất khiêm tốn bởi Việt Nam xuất khẩu trên 6,4 triệu tấn gạo/năm.
"Trong khi EU mới ký FTA với 2 quốc gia ở Đông Nam Á là Việt Nam và Singapore, do vậy, ngành gạo cần đầu tư bài bản, có trọng điểm để khai thác EVFTA thực chất hơn", ông Bình chia sẻ.
Tương tự như mặt hàng gạo, bà Lê Hằng cũng cho rằng, doanh nghiệp vẫn đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi đó thị trường EU rất lớn, rất hiệu quả nhưng chưa tập trung.
Theo bà Lê Hằng, khi xuất khẩu sang EU, thách thức lớn đối với thủy sản là bảo đảm quy tắc xuất xứ. Mặc dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình phối hợp đào tạo cho doanh nghiệp bảo đảm về chứng nhận xuất xứ nhưng cũng không tránh khỏi việc không tìm hiểu kỹ. Do từng thị trường có những kiểm soát riêng, dẫn tới những hiểu lầm về cấp C/O, quy tắc xuất xứ. Cùng với đó, thẻ vàng IUU là yếu tố làm hạn chế rất nhiều khi xuất khẩu thủy sản sang EU.
Ngoài ra, còn có các thách thức khác về dài hạn như yêu cầu chứng nhận ngày càng cao hơn của thị trường, môi trường hay lao động cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với thủy sản Việt.
Do vậy, để tận dụng thị trường EU, theo bà Lê Hằng, doanh nghiệp phải tháo gỡ được khó khăn về thẻ vàng IUU, lấy lại được thẻ xanh để tăng cơ hội cho thủy sản. Bởi nếu chuyển sang thẻ đỏ sẽ có nguy cơ mất thị trường EU và như vậy, mỗi năm sẽ mất 500 triệu USD riêng cho ngành thủy sản sang EU. Hơn nữa, đây còn là thị trường định hướng chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ.
Về Hiệp định EVFTA, bà Lê Hằng mong có thêm sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan cũng như áp dụng tốt quy tắc xuất xứ nhằm giảm bớt vướng mắc khi xuất khẩu thủy sản.
Còn Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Việt NAM thời gian qua rất tích cực, nhưng so với đối thủ cạnh tranh, so về thị phần thì chưa phải là tỷ lệ tốt. Do đó, bên cạnh các yếu tố đã có từ chính EVFTA, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nắm bắt để tận dụng tốt ưu đãi của hiệp định này.