Triển lãm Quốc tế về máy móc thiết bị ngành công nghiệp dệt may Việt Nam (VTG 2022) dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 21-24/9/2022 bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Sau hai năm trì hoãn, Triển lãm Quốc tế về máy móc thiết bị ngành công nghiệp dệt may Việt Nam (VTG 2022) dự kiến sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh, từ ngày 21-24/9/2022.
Sự kiện do công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers phối hợp cùng một số đơn vị xúc tiến công nghiệp, thương mại trong và ngoài nước tổ chức.
Theo thông tin được công bố ngày 22/8, năm nay, ngoài triển lãm truyền thống đã được mong đợi như những năm trước, phiên bản trực tuyến cũng sẽ đồng thời diễn ra nhằm hỗ trợ khách mua không có điều kiện tham gia triển lãm trực tiếp. VTG 2022 tập trung giới thiệu những tiến triển, giải pháp và xu hướng công nghệ mới nhất, thúc đẩy việc nâng cấp toàn bộ chuỗi sản xuất dệt may tại Việt Nam.
Cụ thể, VTG 2022 thu hút hơn 200 thương hiệu quốc tế từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia, gồm: Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Việt Nam... Những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp dệt may đã sẵn sàng trở lại, giới thiệu hàng loạt máy móc sản xuất tự động với hiệu suất cao.
Trong đó, có thể kể đến nhà cung cấp giải pháp nhà máy thông minh hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất may mặc Hoang Ma, cùng những thương hiệu máy may nổi tiếng như Juki, Pegasus, Siruba... Hay một số nhà cung cấp máy thêu cỡ lớn, dây chuyền máy cắt, giải pháp tùy chỉnh tự động; nhà cung cấp vải, sợi, giải pháp in thông minh, hệ thống giá treo công nghệ cao…
Bên cạnh những hoạt động chính, chương trình hội thảo, hội nghị chuyên ngành cũng sẽ được tổ chức trong thời gian diễn ra VTG 2022. Những chương trình này có sự tham dự của diễn giả đến từ đơn vị xúc tiến công nghiệp, thương mại; hiệp hội doanh nghiệp... hướng đến mục tiêu chia sẻ thông tin thị trường, cập nhật xu hướng ngành...
Theo Ban tổ chức VTG 2022, sau khi Việt Nam chính thức mở cửa biên giới với du khách quốc tế, thị trường trong nước đã bắt đầu thích ứng với tình trạng “bình thường mới” và dần khôi phục sau đại dịch. Việc thực thi đa dạng Hiệp định thương mại tự do, cùng nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy chính sách ưu đãi đang thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; trong đó có ngành dệt may.
Bà Judy Wang, Giám đốc điều hành công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers cho biết, trước làn sóng đầu tư bùng nổ, VTG 2022 được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho nhà sản xuất dệt may Việt Nam tìm kiếm giải pháp nâng cấp ngành và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài. Còn khách tham quan có thể tiếp cận giải pháp công nghiệp tiên tiến trong và ngoài nước, cập nhật thông tin thị trường mới nhất và kết nối doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp dệt may.
Thống kê, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt khoảng 22,3 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Với vai trò là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, ngành công nghiệp dệt may đã góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam trong những năm gần đây.
Xu hướng thị trường và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia xuất khẩu lớn trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 đã cho thấy triển vọng tiếp tục tạo nên cơn sốt của ngành công nghiệp dệt may. Đồng thời xu hướng này cũng khuyến khích doanh nghiệp, thương nhân quốc tế tìm cách tiếp cận thị trường tiềm năng tại Việt Nam và tái kích hoạt nền kinh tế như đầu tư, thương mại.../.