Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận chuỗi tăng điểm khá dài với 6 tuần tăng liên tiếp. Tuy nhiên, áp lực chốt lời gia tăng đang dần hiện hữu, cùng với việc thị trường đang rơi vào vùng trũng thông tin, làm dấy lên lo ngại về đà tăng mạnh của VN-Index khó có thể duy trì tiếp trong thời gian tới.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần vừa qua (19/8), VN-Index dừng ở mức 1.269,18 điểm, tương ứng tăng 6,85 điểm (+0,54%) so với tuần trước đó, đánh dấu tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp. Đây cũng là chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ tháng 1/2021.
Tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp
Như vậy, sau khi giảm mạnh trong quý II vừa qua, thị trường chứng khoán dường như đã tìm được điểm cân bằng với chỉ số chính xoay quanh mốc 1.150 điểm và hiện tại vẫn trong đà tiến sát vùng 1.300 điểm.
VN-Index đánh dấu tuần thứ 6 tăng điểm liên tiếp, tuy nhiên áp lực chốt lời gia tăng đang dần hiện hữu.
Nhìn chung, thị trường vẫn duy trì đà tăng tích cực được cho là đến từ sự cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư với kỳ vọng lạm phát tạo đỉnh trong tháng 7 và lãi suất có thể tăng chậm lại từ tháng 9 trở đi.
Bên cạnh đó, thị trường mới trải qua mùa kết quả kinh doanh quý 2 với mức tăng trưởng trung bình là 27% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu khá tích cực, cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Ngoài ra, thông tin chính thức được giao dịch T+2 từ ngày 29/8 mang lại lợi ích tốt hơn cho nhà đầu tư cũng tạo hiệu ứng tích cực lên thị trường.
Mặt khác, thị trường đã giảm về mức định giá hấp dẫn cũng là một yếu tố then chốt, thu hút được dòng tiền bắt đáy quay trở lại.
Những điều này được phản ánh qua việc dòng tiền có sự cải thiện rõ rệt, dẫn đến thanh khoản trung bình của thị trường có chiều hướng tăng lên khá tốt, song hành với đà tăng điểm của chỉ số.
Hơn nữa, dòng tiền lại không ngừng tìm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tập trung chủ yếu ở 4 nhóm chính dẫn dắt cho thị trường: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và thép. Xu hướng này trái ngược với thời điểm nửa đầu năm, khi mà những nhịp hồi lại được dẫn dắt bởi dòng tiền duy trì ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, thanh khoản cải thiện, hỗ trợ cho điểm số của VN-Index được coi là điểm sáng nổi bật, dự báo thị trường vẫn duy trì khởi sắc trong thời gian tới.
“Mỗi lần xuất hiện giá đỏ trong phiên, dòng tiền rất nhanh "cover" lấy hàng và sau đó đẩy chỉ số trở về sắc xanh. Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, đà tăng của thị trường nhiều khả năng được duy trì nhờ thanh khoản đang dồi dào hơn”, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư của SSI Research nhận định.
Thêm vào đó, xu hướng mua ròng trở lại của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong giai đoạn tháng 4 khi thị trường lao dốc mạnh đến nay, cũng là một điểm tích cực, củng cố đà tăng cho thị trường.
Thống kê cho thấy, trong tuần giao dịch từ 15-19/8, khối ngoại mua ròng 525 triệu cổ phiếu trên toàn thị trường, ghi nhận tuần mua ròng thứ 5 liên tiếp. Riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 567 tỷ đồng (gấp 6 lần tuần trước đó).
Tương tự, tự doanh của các công ty chứng khoán cũng mua ròng 402 tỷ đồng ở sàn HoSE trong tuần từ 15-19/8, đồng thời duy trì 5 tuần liên tiếp mua ròng với giá trị tăng 36% so với tuần trước đó và đạt 402 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 16,8 triệu cổ phiếu.
Cẩn thận "củi lửa"?
Mặc dù thị trường duy trì được đà tăng điểm tuần thứ 6 liên tiếp, song nhìn chung vẫn liên tục gặp thất bại trước vùng cản 1.280 (MA100 ngày) do lực cầu giá cao vẫn còn thận trọng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các thông tin tốt về mùa báo cáo kết quả kinh doanh, số liệu vĩ mô quý 2 đã được hấp thụ tương đối trong nhịp tăng kéo dài vừa qua. Hiện, thị trường bước vào vùng trũng thông tin, thị trường quốc tế cũng bước vào giai đoạn lình xình đi ngang.
Mặt khác, dần có những dấu hiệu đáng lưu ý trong tín hiệu liên thị trường khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trở lại, chỉ số USD Index tăng mạnh trở lại và áp sát đỉnh cũ. Điều này rất dễ tác động tới động thái mua/bán của nhà đầu tư nước ngoài do tỷ giá ảnh hưởng tới dòng vốn.
Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” là khá rõ, khi thống kê cho thấy số lượng cổ phiếu giảm giá tuần qua nhiều hơn tăng, trong khi thanh khoản tuần qua dù cao hơn mức trung bình của 20 tuần gần nhất nhưng cũng đã có sự suy giảm so với tuần trước đó.
Như vậy, thị trường đang rơi vào trạng thái quá mua trong ngắn hạn, do áp lực chốt lời gia tăng khi phần đông nhà đầu tư đã có lợi nhuận tương đối trong 4-5 tuần trở lại đây. Và thị trường đang thiếu động lực đủ mạnh để duy trì đà tăng giá.
Thực tế, trong tuần qua, trái ngược với đà mua ròng của khối ngoại và tự doanh, dữ liệu từ FiinPro cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp trên HoSE ở mức 2.512 tỷ đồng, gấp 4,4 lần tuần trước đó. Sau 5 tuần giao dịch vừa qua, cá nhân trong nước đã bán ròng tổng cộng 6.824 tỷ đồng.
“Trạng thái quá mua trong ngắn hạn khiến áp lực bán là rất bình thường và ở vùng hiện tại, thị trường rất dễ điều chỉnh”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cảnh báo.
Ông Huy cho rằng, áp lực bán ở vùng này là điều đương nhiên, rủi ro thị trường sẽ nhiều hơn trong tháng 9 và đặc biệt là nửa sau tháng 9, và hiện tại rung lắc đã dần rõ ràng hơn.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường đang có một số khó khăn khiến cho xu hướng tăng ngắn hạn gặp khó. Trước hết, vùng cản 1.285 là vùng cản khá cứng; tiếp theo là thị trường đang ở trong vùng trũng thông tin.
“Thị trường có thể gặp áp lực điều chỉnh trong thời điểm hiện tại”, ông Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số ý kiến mặc dù vẫn nhìn nhận áp lực điều chỉnh một cách thận trọng nhưng không tỏ ra quan ngại nhiều. Bởi sự điều chỉnh này được xác định là ngắn hạn trong xu hướng tăng tiếp.
“Vẫn còn có nhiều kỳ vọng trên thị trường và nhờ vậy, sau khi điều chỉnh để tái cân bằng và tạo lập ra mặt bằng giá mới, thị trường sẽ quay trở lại xu hướng tăng”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam kiêm Nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư FSTOCK nêu quan điểm.