• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
21 Tháng Giêng 2025 8:31:38 SA - Mở cửa
Khó kỳ vọng vào tín dụng xanh
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 10/09/2022 9:15:00 SA
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định khó kỳ vọng nhiều vào tín dụng xanh của ngân hàng, mà nên tập trung vào trái phiếu xanh và cần làm thế nào để trái phiếu có kỳ hạn dài, lãi suất thấp hơn hiện nay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
 
 
Tín dụng xanh tăng mạnh các năm qua nhưng thiếu thực chất, chủ yếu tăng do phong trào đầu tư điện gió, điện mặt trời. Ảnh: Trọng Hiếu.
 
Tham dự hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn" do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết: Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển của KTTH đồng thời là đối tượng thụ hưởng lợi ích thiết thực từ mô hình doanh này. Tuy nhiên, nguồn tài chính cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn là thách thức lớn cần sự đồng hành, nỗ lực của Chính phủ và các tổ chức.
 
Theo đó, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, hiện quy mô trái phiếu xanh Việt Nam còn nhỏ (chỉ chiếm 2,2% tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2021; thấp hơn 8 lần quy mô trái phiếu xanh của Singapore dù đứng thứ hai về quy mô phát hành trong ASEAN-6 năm 2021); chưa đáp ứng yêu cầu về ESG; chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về phát hành trái phiếu xanh.
Về huy động vốn trên thị trường chứng khoán (TTCK), dù đã tham gia sáng kiến TTCK bền vững (SSE) từ năm 2016, tuy nhiên, việc tuân thủ khung quản trị ESG chưa phổ biến; bộ Chỉ số bền vững (VNSI) còn hạn chế số lượng DN và nhiều tiêu chí đã lạc hậu.    
 
Về vốn tín dụng ngân hàng, theo NHNN, tính đến hết quý I/2022, tổng dư nợ tín dụng xanh đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội là 1,31 triệu tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Mặc dù dư nợ tín dụng xanh đã tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2016-2021, song quy mô dư nợ tín dụng xanh còn khá nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế, hơn nữa chỉ tập trung vào một số NHTM lớn và dành cho các doanh nghiệp, dự án lớn đầu tư về năng lượng tái tạo...
 
Theo đó, để thúc đẩy hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình KTTH, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, cần xây dựng và thực thi "văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh" trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý cho KTTH, kinh tế xanh. 
 
Đồng thời phát triển đa dạng các loại hình tài chính bền vững. Cụ thể, xây dựng quy trình thẩm định riêng hoặc sổ tay hướng dẫn về tín dụng đối với KTTH và sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho các ngành kinh tế.
 
Xây dựng lộ trình hỗ trợ với các DN phát triển kinh tế tuần hoàn (có thể chọn lọc một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát trển đang được ưu đãi như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), nông nghiệp sạch, công nghệ cao; DN công nghệ thông tin, DN vừa và nhỏ (DNNVV)…. Xây dựng các Quỹ tái cấp vốn, cơ chế liên kết tài trợ kinh tế tuần hoàn với lãi suất ưu đãi.
 
Đồng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Dịch vụ Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, FiinGroup chia sẻ, qua kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp tái chế cho thấy, DN tái chế chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa và tiếp cận vốn tín dụng xanh là vô cùng khó khăn.
 
"Tín dụng xanh chủ yếu cho dự án lớn thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo. Vì vậy, trong thời gian tới NHNN, hệ thống NHTM cần có sản phẩm tín dụng chuyên nghiệp cho DN tái chế", ông Đồng nói.
 
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, tín dụng xanh tăng rất nhanh trong thời gian gần đây với tốc độ 63%/năm, nhưng chỉ chủ yếu cho các dự án điện gió, điện mặt trời nở rộ.
 
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, cũng không thể kỳ vọng nhiều vào tín dụng xanh của ngân hàng, vì lệ thuộc vào rất nhiều thứ và quá trình thẩm định dự án cho vay, việc thẩm định môi trường không khả thi và không thực tế. Vì vậy nên tập trung vào trái phiếu xanh và cần làm thế nào để trái phiếu có kỳ hạn dài, lãi suất thấp hơn hiện nay.
 
Lấy ví dụ Thái Lan, ông Nghĩa cho biết, nước này đã thành lập quỹ phát triển xanh để bảo lãnh cho doanh nghiệp thực sự có dự án xanh. Loại trái phiếu này được phát hành dài hạn với lãi suất thấp và có thể mang đi cầm cố hoặc chiết khấu tại ngân hàng.
 
Đề xuất giải pháp vốn cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh tuần hoàn, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, vấn đề đầu tiên là luật pháp, xây dựng luật làm sao đi vào cuộc sống, đặc biệt là với 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 
Cụ thể, nếu NHNN vẫn có chỉ thị đòi hỏi những điều kiện như doanh nghiệp làm ăn có lãi, có bảo lãnh,… mới cấp tín dụng thì DNNVV mãi không thể tiếp cận được vốn để chuyển đổi sang KTTH.
 
GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh, cần phải đánh cược giữa phát triển kinh tế xanh với rủi ro ngân hàng phải chịu để đa số DNNVV có thể tham gia, phấn đấu 20% DNNVV vào năm 2023 và 50% vào năm 2025.
 
Chủ tịch VAFIE cũng kiến nghị cần lưu ý chính sách đối với DN, tách DN lớn và DNNVV, đặc biệt DN siêu nhỏ để có chính sách hỗ trợ khác nhau, đi kèm các điều kiện cụ thể, rõ ràng. Kèm với đó là chính sách khuyến khích là chế tài xử phạt khi không thực hiện được.