Đó là kết luận của đoàn công tác Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương tại chuyến công tác kiểm tra, đánh giá an toàn hồ, đập hồ chứa thủy điện thuộc địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận (từ ngày 7/9/2022 đến ngày 9/9/2022.
Thực hiện Quyết định số 276/QĐ-BCT ngày 4/3/2022 của Bộ Công Thương về việc thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn hồ, đập thủy điện trước mùa mưa năm 2022, ngày 7/9/2022, đoàn công tác gồm Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Công ty ĐHĐ) đã tiến hành kiểm tra hiện trạng đập và hồ chứa công trình thủy điện Hàm Thuận.
Đoàn công tác đang kiểm tra tại đập chính Hàm Thuận.
Đoàn công tác đã kiểm tra công tác vận hành hồ thủy điện Hàm Thuận và đi thực địa các vị trí gồm đập tràn, đập chính và các đập phụ thuộc công trình thủy điện Hàm Thuận. Tại hiện trường, các chuyên gia đã kiểm tra hiện trạng, trao đổi với đại diện Công ty ĐHĐ về tình hình hồ, đập Hàm Thuận từ giai đoạn đưa vào vận hành đến nay. Đại diện Công ty đã báo cáo chi tiết tình hình công trình thủy điện Hàm Thuận qua 22 năm vận hành, đồng thời cung cấp số liệu quan trắc đập để các chuyên gia kiểm tra và đánh giá chuyên sâu về công trình.
Tại cuộc họp kiểm tra đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện năm 2022 diễn ra ngày 9/9/2022 tại Công ty Thủy điện Đồng Nai do ông Phạm Trọng Trực - Phó Cục trưởng Cục an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì, các chuyên gia đánh giá Công ty ĐHĐ đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, đáp ứng yêu cầu quản lý công trình hồ, đập thủy điện. Kết quả kiểm tra cho thấy đập, hồ chứa thủy điện Hàm Thuận đang hoạt động bình thường, đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa lũ năm 2022.
Họp kiểm tra đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện năm 2022.
Qua chuyến kiểm tra thực địa, đoàn công tác cũng yêu cầu Công ty tiếp tục thực hiện tốt các quy định theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 9/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Bên cạnh đó, đoàn công tác đề nghị Công ty ĐHĐ tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo hành lang thoát lũ phía hạ du các hồ chứa.
Ông Đỗ Minh Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty ĐHĐ phát biểu tại cuộc họp.
Thay mặt lãnh đạo Công ty, ông Đỗ Minh Lộc đã cám ơn các chuyên gia trong đoàn công tác đã có những ý kiến góp ý thiết thực về công tác quản lý, vận hành hồ Hàm Thuận. Ông Đỗ Minh Lộc cho biết: Công ty sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia trong Hội đồng vấn kỹ thuật để hoàn thiện hơn nữa công tác quản lý an toàn công trình.
Công trình thủy điện Hàm Thuận có hồ chứa thuộc các huyện Di Linh, Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng và huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Trong đó, các hạng mục công trình gồm đập dâng (đập chính và 4 đập phụ), cửa nhận nước, tuyến năng lượng và nhà máy thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Với tổng dung tích hồ chứa là 695 triệu m3, hồ Hàm Thuận ngoài nhiệm vụ tích nước phát điện còn tích cực tham gia cắt, giảm lũ trên sông La Ngà (một chi lưu của hệ thống sông Đồng Nai), góp phần đảm bảo an toàn cho hạ du. Ngày 11/10/2021 lũ xuất hiện trên hồ Hàm Thuận với đỉnh lũ là 725m3/s vào lúc 14 giờ 00 cùng ngày. Công ty ĐHĐ đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận vận hành an toàn hồ chứa, xả điều tiết lũ qua đập tràn Hàm Thuận với lưu lượng tối đa 25m3/s, cắt 99,96% đỉnh lũ đảm bảo an toàn cho hạ du các huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh tỉnh Bình Thuận./.