• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,74 -3,30/-0,26%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:35:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,74   -3,30/-0,26%  |   HNX-INDEX   225,39   -0,82/-0,36%  |   UPCOM-INDEX   92,24   -0,11/-0,12%  |   VN30   1.298,20   -5,84/-0,45%  |   HNX30   482,23   -2,42/-0,50%
14 Tháng Mười Một 2024 11:41:08 SA - Mở cửa
Khu Kinh tế cửa khẩu- Bức tranh 30 năm và hướng đi nào cho giai đoạn mới? Kỳ 1: Trông đợi nhiều từ những “đứa con” đầu đàn
Nguồn tin: Báo Hải quan | 14/09/2022 9:55:00 CH
Hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đã được đầu tư vào các Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) trong nhiều năm qua, với quy mô lên đến hàng trăm ngàn hecta. Sau 30 năm phát triển, với mục tiêu phát huy lợi thế về quan hệ kinh tế-thương mại cửa khẩu biên giới, thu hút các kênh hàng hoá, đầu tư, thương mại, dịch vụ và du lịch từ các nơi, từ nước ngoài vào nội địa thông qua cơ chế chính sách ưu đãi, thực tế cho thấy ngoài một vài Khu KTCK như Móng Cái (Quảng Ninh), Đồng Đăng (Lạng Sơn), Mộc Bài (Tây Ninh)... hoạt động tương đối hiệu quả, hiện phần lớn Khu KTCK đều trong tình trạng đìu hiu, trung tâm thương mại, nhà xưởng xây xong “đắp chiếu”... Khu KTCK vốn được coi là cơ hội để các địa phương tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên để khai thác hiệu quả các Khu KTCK còn không ít vấn đề đặt ra cần nhanh chóng giải quyết. Tạp chí Hải quan khởi đăng loạt bài về thực trạng các Khu KTCK cũng như giải pháp đề xuất hướng đầu tư phát triển mô hình kinh tế này trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đã có sự hội nhập sâu với thế giới.
 
https://fireant.vn/home
 
Hoạt động XNK qua Cảng cạn ICD Móng Cái nhộn nhịp phương tiện, đây cũng là khu vực do Công ty CP Thành Đạt đầu tư, thuộc Khu KTCK Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Quang Hùng
 
Được đánh giá và ghi nhận có kết quả phát triển tốt nhất trong các Khu KTCK đã hoạt động, các Khu KTCK giáp Trung Quốc như Khu KTCK Móng Cái (Quảng Ninh), Khu KTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn đã có sự phát triển ấn tượng, đóng góp lớn vào sự “thay da đổi thịt” của kinh tế-xã hội địa phương cũng như củng cố quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới Việt-Trung. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển rực rỡ, hiện các Khu KTCK này đang dần chững lại, loay hoay trong hướng phát triển giai đoạn tới.
 
Khu KTCK Móng Cái: Lên đỉnh… rồi đi ngang
 
Vượt hơn 300 km từ Hà Nội đến với TP Móng Cái vào một ngày đầu tháng 7/2022, trái với sự mường tượng của chúng tôi về một Khu KTCK nổi tiếng, “đứa con đầu đàn” với nhiều kỳ vọng, Khu KTCK Móng Cái không khác gì nhiều so với các vùng biên giới khác, thậm chí còn có phần đìu hiu, buồn tẻ. Hoạt động xuất nhập cảnh qua cầu Bắc Luân I vẫn “án binh bất động” từ khi dịch bùng phát. Tại Lối mở Km3+4 Hải Yên và cầu Bắc Luân II, sau nhiều lần bị tạm dừng hoạt động, thời điểm hiện tại, hoạt động XNK đang dần khôi phục trở lại.
 
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh nhìn nhận: Khu KTCK Móng Cái giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Trong những năm qua, Khu KTCK Móng Cái đã có những kết quả phát triển tích cực, song chưa tương xứng với kỳ vọng đặt ra.
 
Nhìn lại cả quá trình hình thành, phát triển Khu KTCK Móng Cái, dễ thấy đã có những giai đoạn thay đổi đáng kể. Năm 2012, Khu KTCK Móng Cái chính thức thành lập, trở thành Khu KTCK có quy mô lớn nhất nước. Khu KTCK này từng bước phát triển mạnh mẽ, gặt hái không ít “trái ngọt”. Giai đoạn 5 năm (2010-2015), tổng giá trị hàng hoá qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã đạt trên 23 tỷ USD, tăng 1,8 lần so với giai đoạn 5 năm trước đó (1996-2010); đóng góp cho ngân sách gần 6.000 tỷ đồng. Tại thời điểm năm 2015, Khu KTCK Móng Cái được đánh giá là Khu KTCK thành công nhất trong số 28 Khu KTCK của cả nước.
 
Tuy nhiên, sau giai đoạn bứt phá đó, nhịp tăng trưởng đã dần chững lại. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Khu KTCK Móng Cái đã thu hút được 138 dự án, trong đó 40 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD và 98 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 31.707 tỷ đồng. Về hoạt động XNK, trong 5 năm 2015- 2020, tổng kim ngạch XNK qua Khu KTCK Móng Cái đạt trên 30 tỷ USD; thu ngân sách từ hoạt động XNK đạt 4.647 tỷ đồng. Năm 2021, tổng kim ngạch XNK đạt 3,95 tỷ USD; thu ngân sách từ hoạt động XNK đạt 1.296 tỷ đồng.
 
Khu KTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn: Từng bước phát triển
 
Cũng đình đám và được kỳ vọng với nhiều lợi thế là Khu KTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn. Còn nhớ, những năm 2010, để di chuyển từ Hà Nội tới Lạng Sơn, con đường ngắn nhất là Quốc lộ 1A và phải mất tới 4-5 giờ mới có thể đến được thành phố. Xuất phát từ Hà Nội đến với trung tâm xứ Lạng ngày đầu tháng 7/2022, chúng tôi chỉ mất khoảng 2 giờ nhờ di chuyển qua tuyến đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Lát cắt nhỏ đó đã cho thấy rất rõ sự “chuyển mình” của xứ Lạng nói chung, sự phát triển của Khu KTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn nói riêng sau gần 14 năm đi vào hoạt động.
 
Đánh giá cao vai trò, ý nghĩa của Khu KTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn với mảnh đất biên cương, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: hiện Khu KTCK đã trở thành đầu mối giao lưu quan trọng trong phát triển kinh tế, thương mại và du lịch giữa Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung với Quảng Tây (Trung Quốc). Hệ thống cửa khẩu được chỉnh trang, nâng cấp, năng lực trung chuyển và tiếp nhận hàng hoá XNK được nâng lên, thu hút các hoạt động sản xuất và kinh doanh XK qua địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Khu KTCK có 122 dự án trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt trên 13.000 tỷ đồng và 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 207 triệu USD, chiếm 67% số dự án và 88% tổng vốn so với toàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng Khu KTCK từ năm 2010 đến năm 2020 là trên 6.940 tỷ đồng.
 
https://fireant.vn/home
 
Hàng hóa XK tập kết tại bãi xe khu vực cửa khẩu Tân Thanh thuộc Khu KTCK Đồng Đăng (Lạng Sơn). Ảnh: Nguyễn Thanh
 
Đáng chú ý, trong hoạt động XNK, năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn nhưng ước tính chung cả giai đoạn 2016 – 2020, tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu thuộc Khu KTCK đã đạt trên 17,5 tỷ USD, tăng 6 tỷ USD so với giai đoạn 2011 – 2015.
 
“Trên cơ sở các lợi thế về vị trí địa lý cùng định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, lưu lượng hàng hóa XNK qua các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất lớn, luôn ở trong nhóm dẫn đầu của cả nước. Các hoạt động XNK chủ yếu phát sinh tại cửa khẩu nằm trong Khu KTCK, chiếm hơn 90% giá trị kim ngạch và các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Ở thời điểm bình thường, trung bình hàng ngày có khoảng 1.300 - 1.500 xe chở hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, cao điểm có thể lên tới gần 2.000 xe/ngày”, bà Đoàn Thu Hà nói.
 
Theo ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban Khu KTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn, thời gian qua Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn đã có đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước. Từ ngày 1/5/2012 đến hết năm 2020, tại 4 cửa khẩu trong Khu KTCK, số phí thu đạt 3.781,6 tỷ đồng, chiếm 78,4% tổng số thu tại toàn bộ các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, năm 2020 đạt 471,9 tỷ đồng, chiếm 96% tổng số thu, tăng 186,4% so với năm 2012. Riêng tổng số thu thuế XNK năm 2020 tại 4 cửa khẩu thuộc Khu KTCK đạt 3.911,1 tỷ đồng, chiếm 91,1% tổng số thu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
 
Điểm yếu hạ tầng
 
Được đánh giá là 2 Khu KTCK thành công nhất, có kết quả đáng ghi nhận nhất, tuy nhiên so với lợi thế cũng như kỳ vọng thì sự phát triển của 2 “anh cả” này vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
 
Thời gian qua, thương mại biên giới là một ngành mũi nhọn của Khu KTCK Móng Cái nhưng phụ thuộc rất nhiều vào phía Trung Quốc. Ông Hoàng Trung Kiên nhấn mạnh: “Hoạt động thương mại biên giới đang có xu hướng giảm sút do các quy định mới của phía Trung Quốc về tiêu chuẩn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc, đặc biệt với nhóm hàng nông sản”. Nhu cầu đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng của Khu KTCK Móng Cái rất lớn. Mặc dù được quan tâm ưu tiên đầu tư nhưng do ngân sách nhà nước còn khó khăn nên nguồn vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng những năm qua rất hạn chế. Các dự án hạ tầng cần lượng vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài nhưng chưa có các cơ chế, chính sách đủ sức thu hút đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách.
 
“Đó chính là lý do khiến một số dự án động lực, mang tính chiến lược chậm được triển khai làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hút đầu tư trên địa bàn”, ông Kiên chỉ rõ.
 
Không chỉ vậy, Khu KTCK Móng Cái chưa thu hút đầu tư được những dự án đầu tư lớn, mang tính động lực, đặc biệt là các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics, trung tâm tài chính… Nguồn nhân lực tại chỗ của Khu KTCK Móng Cái chủ yếu là lao động phổ thông. Do vậy, lực lượng lao động này rất khó đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là những ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch chất lượng cao...
 
Với Khu KTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn, theo ông Hoàng Khánh Duy, hiện việc xây dựng Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn đã và đang đối mặt không ít khó khăn, hạn chế. Điển hình như, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội Khu KTCK mặc dù đã được quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nhưng chưa thật sự đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống bến bãi đỗ xe còn thiếu, đặc biệt là tại các cửa khẩu trọng điểm như: Hữu Nghị, Tân Thanh, chưa đáp ứng được nhu cầu XNK hàng hóa của DN. Môi trường đầu tư còn chậm được cải thiện, chưa có sức hấp dẫn, suất đầu tư lớn so với các tỉnh lân cận.
 
“Tình trạng ùn ứ hàng hóa XNK, nhất là nông sản XK vẫn xảy ra tại một số thời điểm như vào vụ thu hoạch, cuối năm,...; kim ngạch XNK hàng hóa tăng trưởng chưa ổn định”, ông Hoàng Khánh Duy nói.
 
Đáng chú ý, Khu KTCK và hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, tác động nhiều từ việc thực thi cơ chế, chính sách pháp luật của phía Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động thương mại biên giới và xây dựng các công trình trên tuyến biên giới, đấu nối giao thông, hoạt động của các cửa khẩu.
 
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Hải quan, bà Nguyễn Thị My Hương, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh và Dịch vụ, Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương, DN “đầu đàn” trong đầu tư dịch vụ bến bãi tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cho biết: với 17 ha lưu đỗ, tổng diện tích sức chứa có thể lên tới 1.000 phương tiện. Công ty Xuân Cương rất nỗ lực, có các biện pháp liên quan đến vận hành, áp dụng công nghệ để nâng cao số lượng xe có thể lưu thông hàng hoá. Những ngày cao điểm có thể lên tới hơn 2.200 phương tiện lưu thông và lưu đỗ tại bến bãi của Công ty Xuân Cương.
 
“Trong những giai đoạn cao điểm, dù một phần đáp ứng được nhu cầu XNK hàng hoá, song diện tích bến bãi như hiện tại cũng chưa tương xứng so với mức đầu tư trong khu vực kinh tế cửa khẩu phía Trung Quốc”, bà Nguyễn Thị My Hương nói.
 
Tương tự, ông Hoàng Xuân Vinh, Phó Giám đốc Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên chia sẻ, với tổng diện tích 10,4 ha, hiện nay DN đang thực hiện dự án bến xe XNK hàng hoá, kinh doanh dịch vụ xe ra vào bến phục vụ hoạt động XNK hàng hoá qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Công ty Bảo Nguyên muốn mở rộng quy mô bến bãi ra nhiều lần, đang trình Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn và trình Ban Quản lý khu kinh tế mở rộng ra gấp 4 lần với tổng diện tích khoảng trên 56 ha, nâng tổng mức đầu tư lên gần 2.000 tỷ đồng.
 
“Hiện nay, hàng nông sản vận chuyển lên khu vực biên giới nhiều, nếu không XK kịp chỉ một vài ngày là hỏng. Bởi vậy, DN phải tính toán đến bước xây dựng kho lạnh để có thể bảo quản lâu dài”, ông Hoàng Xuân Vinh nói.
 
Trăn trở giải “bài toán” phát triển
 
Khi rót vốn đầu tư vào hạ tầng nằm trong Khu KTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên chia sẻ, DN cũng nhận được những hỗ trợ nhất định, như ưu đãi tiền thuê đất trong vòng 15 năm. Tuy nhiên, DN cũng phải đối mặt không ít khó khăn, phải “tự thân vận động”, điển hình là trong vấn đề giải phóng mặt bằng. “Muốn thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển, cơ chế chính sách của địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Có những tỉnh làm rất tốt việc tạo hành lang, mặt bằng sạch để thu hút DN đầu tư hơn nữa, nhưng Lạng Sơn chưa làm được điều đó. DN vẫn phải chủ động làm trước mọi việc”, ông Vinh chỉ rõ. Lãnh đạo DN này đề xuất cơ quan quản lý nhà nước đi sâu đi sát, hỗ trợ DN nhiều hơn trong công tác giải phóng mặt bằng.
 
Đồng quan điểm, theo bà Nguyễn Thị My Hương, trong quá trình đầu tư bến bãi tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, một trong những khó khăn nổi cộm nhất DN phải đối mặt chính là giải phóng mặt bằng. Trong tổng số 25 ha DN đầu tư, hiện vẫn còn hơn 8 ha DN chưa có mặt bằng để mở rộng dù đã được cấp phép đầu tư từ lâu. Khó khăn thứ hai được bà Hương nhấn mạnh là tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.
 
“Từ trước tới nay, DN chưa có hỗ trợ gì về vốn trừ giai đoạn Covid-19, toàn bộ DN đều có chính sách hỗ trợ chung. Đầu tư vào khu vực kinh tế cửa khẩu là đầu tư trọng điểm, không phải DN nào cũng có thể đầu tư, khai thác ở quy mô tương đối lớn như Công ty Xuân Cương. Bởi vậy, DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ tốt hơn về lãi suất vay ngân hàng”, bà Nguyễn Thị My Hương nói.
 
Tiếp cận nguồn vốn cũng là vấn đề ông Vinh bày tỏ nhiều trăn trở. “Hiện nay, DN vẫn khá khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt ở giai đoạn đầu đầu tư dự án, không thể mang dự án đầu tư ra để thế chấp. DN mong muốn các thủ tục đơn giản hơn, vay được vốn càng nhanh càng tốt”, ông Vinh nói.
 
Cả Khu KTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn cũng như Khu KTCK Móng Cái (Quảng Ninh) đều đang trăn trở giải các “bài toán” khó khăn trong phát triển giai đoạn tới.
 
Theo ông Hoàng Khánh Duy, trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Ở góc độ quy hoạch, giải pháp quan trọng đặt ra là tiếp tục điều chỉnh quy hoạch các khu chức năng chủ yếu, các khu vực cửa khẩu phù hợp với tình hình thực tiễn, khả năng phát triển và phù hợp với các quy hoạch khác của tỉnh cũng như quy hoạch của địa phương đối diện phía Trung Quốc… Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, tạo sự liên thông giữa các khu chức năng trong Khu KTCK với các khu vực liên quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành của các lực lượng chức năng và nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa…”, ông Hoàng Khánh Duy nói.
 
Với Khu KTCK Móng Cái, ông Hoàng Trung Kiên nêu rõ: trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ chủ động làm việc và đàm phán với phía Trung Quốc nhằm đạt được các thỏa thuận mang tính lâu dài, ổn định để hoạt động giao thương qua Khu KTCK Móng Cái thông suốt, thuận lợi; đồng thời tiếp tục đổi mới và hiện đại hóa các thủ tục, quy trình liên quan đến thông quan, xuất nhập cảnh, XNK hàng hóa tại cửa khẩu đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện.
 
Ngoài sự chủ động và các giải pháp của địa phương, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ để xây dựng và phát triển Khu KTCK Móng Cái. Cụ thể, đề nghị ngân sách Trung ương bố trí đủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu KTCK để hoàn thành dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) từ Khu KTCK Móng Cái đến Khu KTCK Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà - giai đoạn 2. “Tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương sớm hoàn thiện để trình Chính phủ thành lập Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái - Đông Hưng; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất để sớm triển khai đầu tư dự án nâng cấp quốc lộ 4B để kết nối và tạo sự liên kết chặt chẽ Khu KTCK Móng Cái với các khu KTCK biên giới phía Bắc để phát huy hiệu quả của mô hình khu KTCK, trong đó có Móng Cái”, ông Hoàng Trung Kiên nói.