Ngày 23/9, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp do ông Nguyễn Cảnh Việt – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đã đến làm việc với VRG về tình hình SXKD của VRG, các đơn vị thành viên từ khi Cổ phần hóa (CPH) đến nay, những khó khăn thuận lợi trong quá trình CPH và định hướng phát triển trong thời gian tới. Theo đó, đoàn công tác đã đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sau CPH.
Ông Nguyễn Cảnh Việt – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận
Thực hiện văn bản số 883/TTg – ĐMDN ngày 11/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch CPH đơn vị thành viên thuộc VRG giai đoạn 2014 – 2015, VRG và Cao su Bà Rịa, Cao su Tân Biên đã thực hiện các nội dung theo quy định để tổ chức thực hiện. Theo đó, phương án CPH của hai công ty được phê duyệt theo hướng kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Trên cơ sở kết quả bán đấu giá công khai, chào bán ưu đãi cho NLĐ, cổ đông chiến lược, thực hiện các khoản chi về CPH, tình hình SXKD từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp tới thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần… vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của các công ty được xác định chính thức tại thời điểm bàn giao từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần cụ thể như sau: Vốn điều lệ của Cao su Tân Biên là 879,4 tỷ đồng, VRG nắm giữ gần 866 tỷ đồng, tương đương gần 98,5% vốn điều lệ; vốn điều lệ của Cao su Bà Rịa là 1.125 tỷ đồng, VRG nắm giữ 1.096,5 tỷ đồng, tương đương 97,4% vốn điều lệ.
Việc chào bán không đạt theo phương án do giá cao su giai đoạn này bắt đầu suy giảm, việc định giá làm tăng giá trị tài sản của hai công ty, làm tăng đột biến giá thành nên phương án SXKD không hấp dẫn nhà đầu tư. Từ kết quả CPH của Cao su Tân Biên và Bà Rịa, VRG nhận định nếu tiếp tục thực hiện theo phương án CPH từng bước hết các đơn vị thành viên sau đó mới CPH Công ty mẹ Tập đoàn sẽ kéo dài thời gian CPH và không đạt mục tiêu về tiến độ của các cấp giao. Do đó, VRG đã trình Bộ NN & PTNT CPH đồng thời Công ty mẹ Tập đoàn và 20 đơn vị thành viên, 4 đơn vị sự nghiệp. Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, VRG đã hoàn thành việc CPH theo quy định chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 1/6/2018.
Sau CPH, Cao su Bà Rịa và Cao su Tân Biên đã có những thay đổi rõ rệt, nhất là về mô hình quản trị doanh nghiệp, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng hai đơn vị đều có tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận. Đặc biệt là kế hoạch 5 năm từ 2016 – 2020, Cao su Tân Biên có doanh thu tăng 70%, lợi nhuận trên 60% so với giai đoạn 2011 – 2015.
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng quản trị
Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, VRG đã kiến nghị tiếp tục thoái bớt phần vốn của VRG tại Cao su Tân Biên và Bà Rịa để đảm bảo yêu cầu, quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc CPH 2 công ty. Việc tổ chức bán sẽ thực hiện theo quy trình, quy định ở thời điểm thích hợp nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho VRG. VRG khẳng định việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo hướng đã sở hữu đã phát huy được hiệu quả, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, tăng cường công tác giám sát từ nhiều bên. Do đó, VRG đề nghị tiếp tục chuyển đổi một số công ty như Cao su Đồng Nai, Dầu Tiếng, Bình Long, Lộc Ninh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, các thành viên tham gia đoàn công tác đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Cao su Tân Biên, Cao su Bà Rịa và VRG để trình lên lãnh đạo các cấp.
Ông Nguyễn Cảnh Việt – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã đánh giá cao kết quả sau CPH của hai công ty, ông nhấn mạnh: “Thay mặt đoàn công tác, tôi ghi nhận sự cố gắng trong công tác điều hành sản xuất của 2 đơn vị sau CPH. Sau CPH, 2 công ty đã có những bước phát triển rõ rệt, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Các đơn vị đã thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả SXKD, phát triển phù hợp với chiến lược chung của VRG và của địa phương. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, sản xuất được tăng cường hơn, các đơn vị cũng đã chủ động tái cơ cấu lại lao động theo hướng phù hợp hơn”.
“Tôi đề nghị, VRG và các đơn vị cần chú trọng đến yếu tố lao động, vì muốn giữ chân được NLĐ, các đơn vị cần thực hiện các chế độ lương, thưởng và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Đề nghị VRG hoàn thiện sớm Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025″ theo Quyết định 360 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Cảnh Việt đề nghị.
Về phía VRG, ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG khẳng định: “Kết quả hoạt động của 2 đơn vị trực thuộc VRG sau CPH rất tốt, VRG tiếp thu đầy đủ ý kiến của đoàn công tác, VRG sẽ báo cáo chủ sở hữu và quyết tâm hoàn thành Đề án theo Quyết định 360 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất”.