Nhật Bản xác định Việt Nam là điểm đến quan trọng tiềm năng cho thực phẩm xuất khẩu và đã thiết lập một nền tảng xuất khẩu chuyên biệt trong nước để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này.
Container chứa hàng hóa tại Tân Cảng Cát Lái. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Trang Food Navigator Asia vừa đăng bài phân tích của tác giả Pearly Neo, trong đó khẳng định Nhật Bản xác định Việt Nam là điểm đến quan trọng tiềm năng cho thực phẩm xuất khẩu và đã thiết lập một nền tảng xuất khẩu chuyên biệt trong nước để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này.
Theo tác giả Pearly Neo, kể từ năm 2020, Nhật Bản đã thực hiện sứ mệnh nâng cao giá trị của ngành xuất khẩu khi nước này lần đầu tiên công bố Chiến lược mở rộng xuất khẩu nông-lâm-thủy sản và thực phẩm tại một hội nghị cấp bộ trưởng. Với chiến lược này, Chính phủ nước này hy vọng sẽ đạt được mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này lên 2.000 tỷ yen (khoảng 14,4 tỷ USD) vào năm 2025 và 5.000 tỷ yen (36,1 tỷ USD) vào năm 2030.
Gần đây, Nhật Bản đã công bố một bộ hướng dẫn mở rộng và xuất khẩu quốc gia để giúp các công ty thực phẩm và đồ uống nước này mở rộng khả năng tiếp cận ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đạt được "sự mở rộng thực sự ra nước ngoài" bằng cách tiến hành sản xuất và kinh doanh ở nước ngoài.
Ngoài việc giúp các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng xuất khẩu một cách độc lập hơn, Chính phủ Nhật Bản cũng đang thực hiện cách tiếp cận theo từng thị trường để mở rộng hoạt động xuất khẩu của nước này và đang dần thiết lập các nền tảng hỗ trợ xuất khẩu ở các thị trường mà họ quan tâm, gần đây nhất là Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Cục xuất khẩu và các vấn đề quốc tế thuộc Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cho biết: "Chúng tôi đã phát triển một nền tảng hỗ trợ xuất khẩu để cung cấp sự hỗ trợ chuyên nghiệp và liên tục cho các nhà xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) - một điểm đến xuất khẩu quan trọng cho thực phẩm cũng như các sản phẩm nông, lâm và thủy sản của Nhật Bản. Nền tảng này sẽ giúp quá trình xuất khẩu nông sản sang Thành phố Hồ Chí Minh [trở nên đơn giản hơn] cho các doanh nghiệp Nhật Bản, và chúng tôi cũng sẽ thành lập một hội đồng bao gồm các nhà kinh doanh thực phẩm Nhật Bản tại địa phương và các tổ chức liên quan khác".
Theo MAFF, để tối đa hóa sự hỗ trợ mà Nhật Bản có thể cung cấp cho các nhà xuất khẩu, nước này đã tổ chức các phái đoàn ngoại giao ở nước ngoài (để hiểu rõ hơn về thị trường này) và cũng đang tăng cường nỗ lực hỗ trợ bán hàng ở đây, hiểu rõ hơn về phân phối và nhu cầu tại địa bàn, cũng như phát triển các kênh thương mại.
Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường mới nhất mà Nhật Bản thể hiện sự quan tâm đủ lớn như một điểm đến quan trọng tiềm năng mới cho thực phẩm xuất khẩu để thiết lập nền tảng này tại đây. Các nền tảng tương tự cũng đã được thiết lập tại Los Angeles và New York (Mỹ), Bangkok (Thái Lan), Singapore và Paris (Pháp).
MAFF cho biết: "Chúng tôi có kế hoạch xây dựng các nền tảng hỗ trợ xuất khẩu này và có ít nhất 8 nền tảng đã được thiết lập ở các quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau, chẳng hạn như Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), trong thời gian từ nay tới năm 2023".
Ngoài việc thúc đẩy khối lượng xuất khẩu, Nhật Bản cũng hy vọng cải thiện giá trị hàng xuất khẩu của mình. MAFF nhấn mạnh, điều quan trọng ở đây là cố gắng thực hiện hiệu quả hơn các biện pháp hạn chế liên quan tới việc loại bỏ hạt giống hoặc cây giống bất hợp pháp với sự giúp đỡ của chuyên gia, để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Nhật Bản đối với các sản phẩm này.
Mặt khác, MAFF đang tìm cách cải thiện hoạt động xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là đồ uống có cồn hữu cơ, bởi vì, những sản phẩm này vừa nhận được giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng bổ sung theo hệ thống Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản (JAS). Vì vậy, MAFF hy vọng là các cuộc đàm phán với các thị trường nhập khẩu rượu lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về việc công nhận giấy chứng nhận hữu cơ sẽ diễn ra càng nhanh, càng tốt để đẩy mạnh xuất khẩu./.